Người hòa giải viên tận tụy

(PLO) - Với niềm đam mê hòa giải cùng tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, 11 năm qua với vai trò là Trưởng thôn đồng thời cũng là Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Phù Lưu Hạ, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, ông Trần Văn Đệ (ảnh) đã hòa giải thành công nhiều vụ việc, đem đến niềm vui cho bà con trong thôn xóm.
Người hòa giải viên tận tụy

Âm thầm vun vén hạnh phúc 

Vào cuối năm 2014, có một cuộc mâu thuẫn gay gắt đã xảy ra giữa đôi vợ chồng trẻ trong thôn. Do chưa có việc làm, người chồng được nhà vợ cho vay khoảng 100 triệu đồng để mua xe làm nghề lái taxi. Sau một thời gian, tuy chưa trả được khoản tiền vay trước đó nhưng người chồng lại muốn bán xe để mua chiếc xe đắt tiền hơn. Thấy việc đầu tư như vậy không hợp lý, vợ kiên quyết phản đối, sau đó hai người xảy ra cãi vã. Không kìm chế được bực tức, chồng đã đóng chặt cửa rồi đánh vợ. 

Khi biết tin, tổ hòa giải cùng với chi hội phụ nữ của thôn đã nhanh chóng đến can ngăn và tìm hướng xử lý. Sau khi phân tích rõ hành vi đánh vợ như vậy là vi phạm pháp luật, nghiêm trọng có thể phải ngồi tù, người chồng vẫn tỏ ra ngoan cố không nhận lỗi nên vợ muốn đệ đơn ly hôn. Trước tình hình căng thẳng đó, ông Đệ đã nhẹ nhàng khuyên nhủ hai vợ chồng phải suy nghĩ cho tương lai của đứa con mới chỉ vài tháng tuổi, nếu ly hôn, đứa bé sẽ là người chịu thiệt thòi nhất. Cuối cùng, hai người đã giảng hòa và nay đang sống rất hạnh phúc.

Một vụ việc khác xảy ra mà ông Đệ nhớ rõ trong thời gian làm hòa giải của mình đó là câu chuyện của người đàn ông có hai vợ trong thôn. Với người vợ đầu, ông có được hai cô con gái nhưng con rể lại nghiện ngập, chơi bời khiến ông hay phải suy nghĩ, thành ra chán nản. Ông có được hai cậu con trai với người vợ thứ hai và bà vợ này của ông có một mảnh đất trên huyện, được cấp giấy phép xây dựng chuồng trại nuôi gà, trị giá gần 100 trăm triệu đồng. Thấy vợ quá mải mê làm ăn, ông lo sợ vợ sẽ bỏ bê chăm lo các con khiến chúng hư hỏng. Chỉ với suy nghĩ hời hợt như vậy, ông đã nhiều lần phá phách, không cho vợ làm ăn và bắt vợ phải về nhà ở thôn chăm các con. Điều này khiến hai vợ chồng xảy ra xích mích.

Trước sự việc đó, công an cùng tổ hòa giải đã phải vào cuộc, hỏi rõ ngọn nguồn, xem sự việc vướng mắc ở đâu và tìm cách tháo gỡ. Sau một hồi phân tích, khuyên nhủ, ông này đã nhận ra được cái sai của mình và đồng ý ký cam kết sẽ không phá phách, gây rối ở địa phương và tu trí làm ăn. Sau sự việc, người vợ cũng đã rút kinh nghiệm, biết cân đối giữa công việc và gia đình để giữ gìn ngôi nhà êm ấm, hạnh phúc.

Lý, tình phải trọn vẹn

Những vụ việc kể trên chỉ là hai trong số rất nhiều những mâu thuẫn đã xảy ra tại thôn Phù Lưu Hạ trong những năm qua, nhờ sự nhiệt huyết và nỗ lực của các hòa giải viên mà những mâu thuẫn ấy đều được hóa giải.Tuy chỉ là những sự việc nhỏ, phát sinh trong đời sống hàng ngày nhưng khi hòa giải thành công đã góp phần gìn giữ cuộc sống êm ấm trong mỗi gia đình, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương. 

Với kinh nghiệm của mình, ông Đệ chia sẻ: “Khó nhất là dùng lý lẽ vừa hợp tình, hợp lý để vận động, thuyết phục người dân. Tùy vào vụ việc cụ thể, ngoài những quy định của pháp luật cần vận dụng linh hoạt những phong tục tập quán ở địa phương để phân tích cho các bên cùng hiểu”. Ông Đệ cũng nói thêm, trong khi giải quyết vụ việc, các bên đều đang vô cùng nóng nảy và cho là mình đúng, vì vậy bản thân mỗi người hòa giải viên phải giữ được bình tĩnh, biết lắng nghe và có thái độ nhẹ nhàng để phân tích được mặt phải, trái của đôi bên thì mới đưa ra được phương án xử lý phù hợp nhất.

Mỗi khi nhận đơn yêu cầu hay nhận được phản ánh của người dân, tổ hòa giải đều họp lại để đề xuất các giải pháp xử lý trước, sau đó tiến hành hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành rất cao. Sau mỗi lần dù thành công hay thất bại, tổ hòa giải đều họp bàn để đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra những ý tưởng mới để giải quyết những vụ việc về sau ngày càng được nhanh gọn và hiệu quả. 

Đây là một phần thưởng khích lệ cho những hòa giải viên như ông, vừa qua, ông đã được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen ghi nhận thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở. Song với ông, nguồn động lực quý giá để ông tiếp tục hết mình với nghề đó chính là tình cảm yêu mến của bà con, sự êm ấm, bình yên, đoàn kết của thôn xóm. 

Đọc thêm