Người nhận con nuôi: Thế nào là có điều kiện kinh tế?

(PLVN) -Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, một trong những điều kiện đối với người nhận con nuôi là “Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi” tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn điều kiện “kinh tế” cụ thể là bao nhiêu mới đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi.

Hộ nghèo thì không đủ điều kiện

Khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định: Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt. Tuy nhiên trên thực tiễn thi hành  nhiều địa phương phản ánh đối với các tiêu chí để xác định người nhận con nuôi “có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”, Luật nuôi con nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể do đó khó khăn trong việc áp dụng.

Nhằm tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn đăng ký việc nuôi con nuôi, hỗ trợ nâng cao nghiệp vụ của công chức tư pháp -hộ tịch cấp xã, Bộ Tư pháp đã xây dựng Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước dành cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã. Theo đó, hướng dẫn thực hiện một số kỹ năng cơ bản trong quy trình giải quyết việc nuôi con nuôi, việc xác định điều kiện về kinh tế được hướng dẫn như sau: Gia đình có thuộc hộ nghèo không? Nếu gia đình thuộc hộ nghèo thì không đủ điều kiện kinh tế để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con nuôi.

Điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi trước hết có thể tính theo thu nhập trung bình hàng tháng của gia đình (ví dụ trong 12 tháng gần đây nhất). Mức thu nhập trung bình có bảo đảm cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng con nuôi không? Nguồn thu nhập của gia đình có thể từ việc làm công nhật/lương tháng/tuần/buôn bán, kinh doanh/chế độ chính sách xã hội/làm nông nghiệp/lâm nghiệp hoặc các nguồn thu nhập khác. Nguồn thu nhập đều đặn và ổn định cũng là một yếu tố để đánh giá điều kiện kinh tế thuận lợi của người nhận con nuôi. 

Ngoài ra, có thể tính tới các tài sản khác như bất động sản, nhà ở cho thuê, sổ tiết kiệm…Như vậy, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi được đánh giá theo các tiêu chí ổn định của các khoản thu nhập, các khoản tiết kiệm khác nếu có, tài sản của người nhận con nuôi. Công chức tư pháp - hộ tịch có thể đánh giá điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi theo mức sống chung ở địa phương. Để chứng minh điều kiện kinh tế, người nhận con nuôi có thể cung cấp sao kê bảng lương, bản chụp sổ tiết kiệm…

Tuy nhiên, về lâu dài các địa phương cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về các vấn đề nêu trên để đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất.

Khó nhận con nuôi đúng hạn do dịch bệnh Covid

Bên cạnh đó, theo phản ánh của địa phương, Khoản 2 Điều 37 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp; trường hợp vợ chồng xin nhận con nuôi mà một trong hai người vì lý do khách quan không thể có mặt tại lễ giao nhận con nuôi thì phải ủy quyền cho người kia; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Hết thời hạn nêu trên, nếu người nhận con nuôi không đến nhận con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hủy quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài”. Hiện nay do dịch Covid-19 nên các nước đang cấm bay và nhập cảnh, do đó đối với các hồ sơ đã phát sinh trước đại dịch Covid-19 hiện nay đã gần hết 90 ngày mà không thể thực hiện thủ tục giao nhận con nuôi nước ngoài thì xử lý thế nào.

Theo Bộ Tư pháp, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên người nhận con nuôi không thể có mặt tại Việt Nam để nhận con nuôi theo đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Nuôi con nuôi. Đây là lý do bất khả kháng.

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khời kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu; Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép; Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

Do vậy, Bộ Tư pháp  đề nghị Sở Tư pháp vận dụng quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19 không tính vào thời gian người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi theo quy định định tại khoản 2 Điều 37 Luật Nuôi con nuôi. Sở Tư pháp thông báo cho người nhận con nuôi về việc đã có Quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, đồng thời thông báo việc giao nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi sẽ được thực hiện trong một thời điểm phù hợp tùy thuộc diễn biến của dịch Covid-19.  

Đọc thêm