Người thân che giấu tội phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự?

(PLO) - Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định; người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm... 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đó là hai nội dung rất đáng chú ý trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
Người thân che giấu là... dễ hiểu
Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định bất cứ người nào biết tội phạm được thực hiện mà che giấu tội phạm đó đều phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội che giấu tội phạm thuộc những trường hợp cụ thể quy định tại Điều 313 BLHS hiện hành. 
Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo BLHS sửa đổi, có hai loại ý kiến về vấn đề này: loại ý kiến thứ nhất cho rằng, vì tình máu mủ, ruột rà nên cần loại trừ  TNHS đối với người che giấu tội phạm là người thân (cha, mẹ, vợ chồng, con, ông, bà, cháu) không kể về tội gì; còn theo loại ý kiến thứ hai thì hành vi che giấu có tính nguy hiểm hơn hành vi không tố giác, vì có thể dẫn đến oan sai nên không nên loại trừ hoàn toàn đối tượng này mà chỉ nên giảm nhẹ TNHS.
Theo Bộ Tư pháp, qua tổng kết thực tiễn 14 năm thi hành BLHS, trong thực tế, việc những người trong gia đình che giấu hành vi phạm tội của người thân mình là điều dễ hiểu. Điều này là do tâm lý, đạo đức trong mối quan hệ ruột thịt và đây cũng là một phần của đạo lý truyền thống của người Việt Nam, nên trong những trường hợp bình thường, những người thân như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột thường che giấu hành vi phạm tội của con, em mình, do đó đề nghị nên loại trừ  TNHS đối với các đối tượng này khi họ che giấu tội phạm mà đối tượng phạm tội là người thân thích, ruột thịt.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Tư pháp, tội này là tội che giấu tội phạm thông qua các hình thức xóa dấu vết, vật chứng... đây là các hành vi mang tính chủ động cao, và nếu loại trừ TNHS hoàn toàn cho các đối tượng này (dù là ruột thịt) thì sẽ gây rất nhiều khó khăn, thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến bế tắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng. 
Do đó, cần nghiên cứu theo hướng các đối tượng là ông, bà, vợ, chồng, bố, mẹ, con, cháu về nguyên tắc là được loại trừ TNHS trừ trường hợp các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định. 
Với lập luận nêu trên, Dự thảo BLHS đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân quy định: Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội thì phải chịu TNHS về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định;  người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu TNHS theo quy định... trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.
Không tố giác tội phạm: luật sư có thể được loại trừ?
Điều 22 BLHS hiện hành quy định người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu TNHS nếu không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc một số tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 BLHS.
Tuy nhiên, đặc trưng của người làm nghề bào chữa là không được tiết lộ thông tin bí mật trong quá trình bào chữa, do đó nhiều ý kiến cho rằng cần loại bỏ TNHS của người bào chữa khi họ không tố giác hành vi phạm tội của thân chủ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng người bào chữa trước hết phải làm tròn bổn phận của một công dân, nên nếu trong quá trình bào chữa mà không tố giác hành vi phạm tội của thân chủ thì vẫn phải chịu TNHS.
Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, do đặc trưng nghề nghiệp của nghề bào chữa là không được tiết lộ thông tin trong quá trình bào chữa, nhưng loại bỏ hoàn toàn TNHS về hành vi không tố giác tội phạm của người bào chữa là chưa thấy hết được trách nhiệm công dân của người bào chữa trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Do đó về nguyên tắc, người bào chữa vẫn phải chịu TNHS về tội không tố giác tội phạm trừ trường hợp: hành vi đó đã thực hiện; hành vi đó do chính thân chủ thực hiện hoặc tham gia.  
Không tố giác tội phạm:
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu TNHS về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 1 Điều này trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.
3. Người bào chữa không phải chịu TNHS theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện.
(Điều 19 Dự thảo BLHS sửa đổi)

Đọc thêm