Người yếu thế được bình đẳng với chủ thể khác về địa vị pháp lý

(PLO) - Xây dựng cơ chế pháp lý thuận lợi, nhân văn và khả thi hơn trong bảo đảm cho cá nhân, pháp nhân tham gia các quan hệ dân sự, người yếu thế được bình đẳng với chủ thể khác về địa vị pháp lý, được tiếp cận quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng trong quan hệ dân sự. Đây là một trong những vấn đề cơ bản của Bộ luật Dân sự (BLDS) mới.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Trong đó, Bộ luật quy định: Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. 

BLDS mới bổ sung chế độ trợ giúp pháp lý cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bảo đảm họ có quyền được giám hộ và được Tòa án chỉ định người giám hộ để hỗ trợ họ tiếp cận, thực hiện các quyền dân sự hoặc quyền tố tụng của mình.

Việc cử người giám hộ dựa trên nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm thực hiện theo ý chí, nguyện vọng về giám hộ của người cần được giám hộ, theo đó: Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu; người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền lựa chọn cá nhân, pháp nhân làm người giám hộ cho mình khi họ ở tình trạng cần được giám hộ; trường hợp cử, chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người này.

Bảo đảm BLDS là luật của các quan hệ thị trường, góp phần hoàn thiện hơn hành lang pháp lý về tài sản, sở hữu và giao dịch, góp phần xây dựng thể chế kinh tế của Việt Nam thông thoáng, ổn định, thị trường phát triển lành mạnh, có tính hội nhập, công bằng, hợp lý, an toàn và ít rủi ro pháp lý, trong đó quy định:

Tài sản trong giao lưu dân sự bao gồm bất động sản và động sản, bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai. Quyền sử dụng đất được xác định là quyền tài sản của cá nhân, tổ chức sử dụng đất, trong quan hệ với đất đai thuộc sở hữu toàn dân, tổ chức, cá nhân sử dụng đất được xác định như là chủ thể có quyền bề mặt theo mục đích, thời hạn và hạn điền được quy định trong Luật Đất đai. Trường hợp theo quy định của pháp luật tài sản phải được đăng ký và việc đăng ký tài sản phải công khai.

Để bảo đảm trạng thái hòa bình trong các quan hệ tài sản, bảo đảm trật tự và ổn định xã hội, Bộ luật quy định chiếm hữu như là một tình trạng pháp lý về quan hệ thực tế giữa người với tài sản, độc lập với quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình, người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh. Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó; người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền. Người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai được áp dụng thời hiệu hưởng quyền và được hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Trong chuyển quyền tài sản, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, Bộ luật áp dụng cơ chế pháp lý tách bạch giữa thời điểm giao dịch có hiệu lực, thời điểm chuyển quyền và thời điểm phát sinh hiệu lực công khai với người thứ ba. Trong đó, người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu được bảo vệ trên nguyên tắc, trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người thứ ba ngay tình căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch của người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu. Đối với bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm, khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định của BLDS và luật khác có liên quan.

Để bảo đảm công bằng, cụ thể hoá nguyên tắc thiện chí trong quan hệ dân sự, Bộ luật quy định trách nhiệm dân sự theo nguyên tắc người vi phạm nghĩa vụ bị suy đoán là có lỗi, bên bị vi phạm cũng phải có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để giảm thiểu thiệt hại của chính mình. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại.

Đọc thêm