Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát tâm đắc với công tác hòa giải

(PLO) - “Về nghỉ hưu, trong số rất nhiều công việc tôi tham gia đóng góp cho địa phương từ giữ vai trò là trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân của TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đến các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc quận, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi... tôi vẫn thấy tâm đắc và gắn bó với công tác hòa giải nhất. Thế nên, còn khỏe, tôi cũng như rất nhiều hòa giải viên khác còn muốn tham gia hòa giải”. 
Bác Lê Đình Can.
Bác Lê Đình Can.

Đó là chia sẻ rất đỗi chân thành của bác Lê Đình Can, hòa giải viên tổ 16 phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, nguyên là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự Trung ương về công việc mà mọi người vẫn quen gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Theo bác Can, Cầu Giấy là một trong những quận đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ nên những vướng mắc, tranh chấp liên quan đến đất đai của người dân nơi đây rất nhiều. Trước đất đai chưa có giá nên hàng xóm, láng giềng có chút xê dịch, lấn chiếm còn dễ thông cảm bỏ qua, nhưng nay tấc đất, tấc vàng, chỉ cần xê dịch một chút là xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp ngay. Rồi những vướng mắc của người dân trong mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất rất nhiều. Đất đai, tài sản cha mẹ để lại, con cái cứ thế thừa hưởng, quản lý sử dụng nhưng nay muốn chuyển nhượng, muốn bán lại không dễ thực hiện vì giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đã không còn, di chúc thì không để lại…  

Cùng với đó, các chính sách pháp luật về đất đai trong một thời gian dài trước đó chưa đồng bộ, thiếu cụ thể, lại thường xuyên có sự thay đổi theo các giai đoạn lịch sử đã dẫn tới việc thực hiện chính sách trong nhiều trường hợp thiếu nhất quán, không quan tâm đầy đủ đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất… dễ làm nảy sinh những thắc mắc trong người dân. “Từ thực tiễn cuộc sống đặt ra như vậy, tôi cùng nhiều hòa giải viên khác có vốn kiến thức và kinh nghiệm tham gia trong lĩnh vực pháp luật đã tham gia công tác hòa giải với mong muốn hóa giải những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân cũng như góp phần đưa pháp luật đến gần hơn với người dân” – bác Can kể. 

Chia sẻ về bí quyết hòa giải, bác Can tâm sự: “Trong thời gian rèn luyện ở quân ngũ, chúng tôi đã được nghe về lời dạy của Bác Hồ là “mỗi chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ đánh giặc giỏi mà còn phải là những người làm công tác dân vận giỏi”. Vận dụng những bài học trong làm công tác dân vận mà tôi có những kinh nghiệm quý làm cơ sở tiến hành công tác hòa giải sau này. Đó là gặp vấn đề gì, muốn quyết định đúng phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng, nắm chắc tình hình. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, các phong tục tập quán tốt đẹp trong ứng xử, tìm mọi cách giải thích cho người dân hiểu để từ đó giúp người dân có được thái độ đúng, hành động đúng. Một bài học quý nữa là phải có tác phong nêu gương. Hòa giải viên có gương mẫu thì nói người ta mới tin, mới nghe, mới hòa giải được cho người ta”. 

Từ đó, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là sau khi Luật Đất đai 2013 được Quốc hội thông qua, bác Can cùng các hòa giải viên của tổ hòa giải thông qua hoạt động của mình đã thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật đến với người dân. Các vụ mâu thuẫn, tranh chấp đều được bác Can cùng các cô bác trong tổ hòa giải nghiên cứu kỹ lưỡng, để ý xem cái “nút thắt” ở đâu để tìm cách giải quyết, tháo gỡ sao cho thấu đáo, có tình, có lý. Mỗi phiên hòa giải không chỉ tuyên truyền, phân tích các quy định của pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước; chủ trương, chính sách của Đảng, của quận, của phường cho người dân; bác Can còn chú ý khơi dậy cái tình, khơi dậy nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa con người với con người.

Thế nên, có trường hợp đã có quyết định sáng mai tiến hành cưỡng chế, buổi tối hôm trước các hòa giải viên cùng với đại diện chính quyền địa phương vẫn kiên nhẫn xuống tận nhà người dân để tuyên truyền, giải thích thêm một lần nữa về chủ trương, chính sách của thành phố, của quận, của phường cũng như các quy định của pháp luật. Để tăng hiệu quả thuyết phục, bác Can còn đề xuất lãnh đạo quận cần trực tiếp gặp và đối thoại với người dân. “Được nghe trực tiếp người lãnh đạo cao nhất của quận phân tích, giải thích, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, người dân yên tâm, tin tưởng hơn rất nhiều và đến phút chót họ đã tự nguyện chấp hành mà không cần phải cưỡng chế” – bác Can phấn khởi. 

Có lẽ chính nhờ cách giải quyết công việc có lý, có tình, quan tâm đến quyền lợi hợp pháp cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân như vậy mà 400 trường hợp giải phóng mặt bằng ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy thời gian qua không có trường hợp nào chính quyền phải tiến hành cưỡng chế. Nhiều năm nay phường Mai Dịch cũng không có trường hợp nào vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của UBND. 

Chính niềm vui sau những lần giúp được cho bà con trong khu phố hiểu rõ các quy định pháp luật, sau những lần hòa giải thành công để các mâu thuẫn, va chạm, xích mích được cởi bỏ, giúp con người ta hướng đến những giá trị sống tốt đẹp hơn đã thực sự trở thành nguồn động viên lớn lao để bác Can cũng như rất nhiều hòa giải viên khác của thành phố Hà Nội thêm yêu, thêm gắn bó tâm huyết với công tác hòa giải.

Đọc thêm