Nhấn mạnh vai trò của TAND trong công tác THA

(PLO) - Hôm qua (15/10), tại TP.Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Hội nghị về quản lý công tác thi hành án (THA) các tỉnh, thành phố phía Nam. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Hội nghị.
Nhấn mạnh vai trò của TAND trong công tác THA
Tiếp tục nghiên cứu về mô hình quản lý thi hành án
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh. Trong đó có nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác THA.
Hội nghị tập trung thảo luận mục tiêu, phương hướng, giải pháp đổi mới tổ chức và quản lý công tác THA; phân định trách nhiệm và phối hợp giữa các Bộ: Tư pháp, Công an, Quốc phòng; thẩm quyền của Tòa án trong việc ra quyết định THA, phân cấp cho UBND các địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động THA…
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về những vấn đề được nêu trong Đề án về việc thực hiện quản lý công tác THA để báo cáo Bộ Chính trị. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng tập trung thảo luận về tổ chức hệ thống cơ quan quản lý, cơ quan THA hình sự, dân sự theo ngành dọc. Vai trò của UBND trong quản lý THA hình sự, dân sự, hành chính, các phương thức đổi mới quản lý công tác THA…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên trình bày tham luận về “Vai trò của TAND – cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong công tác THA”. Thứ trưởng cho biết: Mối quan hệ giữa Tòa án và cơ quan, tổ chức THA là mối quan hệ giữa cơ quan ra phán quyết bảo vệ, duy trì công lý với cơ quan chấp hành các bản án, quyết định của Tòa án ( thể hiện qua tên gọi của nghề THA như: Thừa phát lại, Chấp hành viên, Thẩm phán THA…, ở căn cứ phát sinh hoạt động THA (bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án).
Do vậy, Tòa án cũng có quyền yêu cầu các cơ quan THA phải khẩn trương thi hành các phán quyết ngay sau khi nó có hiệu lực pháp luật, tránh tình trạng có khoảng trống, gián đoạn trong việc thực hiện công lý. Điều này đòi hỏi Tòa án phải thực hiện một cách đầy đủ nhiệm vụ của mình trong việc ra quyết định THA đầy đủ và kịp thời các bản án, quyết định (trong tố tụng hình sự), cũng như việc chuyển giao bản án quyết định, tang vật, biên bản kê biên tài sản (nếu có) cho cơ quan THA trong thời hạn luật định; cấp cho đương sự bản sao bản án, quyết định, có ghi “để thi hành” theo quy định của luật tố tụng…
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế  trong công tác THA thời gian qua như: trong thời gian qua, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhất là trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản của người phạm tội, ngăn ngừa việc tấu tán tài sản,… nên đến giai đoạn THA, người phải THA đã tẩu tán hết tài sản, làm cho số án này trở thành không có điều kiện thi hành, hoặc do tài sản không được chuyển giao đầy đủ, kịp thời theo hồ sơ cho cơ quan THA, gây khó khăn cho việc xử lý tài sản để THA.
Mặt khác, trong nhiều trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật, đã được đưa ra thi hành hoặc thi hành xong hoàn toàn nhưng sau đó vẫn có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoãn hoặc kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Có trường hợp bản án đã được thi hành xong từ lâu, tài sản THA không còn tồn tại hoặc tuy còn nhưng đã thay đổi qua nhiều chủ sở hữu hợp pháp, song cơ quan THA lại nhận được văn bản yêu cầu hoãn THA hoặc bị quyết định giám đốc thẩm hủy bỏ, xử ngược lại với bản án đã được thi hành gây nên sự phức tạp, khó khăn trong việc thi hành bản án mới.
Nhân rộng thí điểm Thừa phát lại
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu nhằm hoàn chỉnh Đề án. Phó Thủ tướng nhấn mạnh phương hướng trong thời gian tới là đổi mới công tác quản lý THA về cơ bản thống nhất các vấn đề: Phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tòa án trong việc theo dõi, kiểm soát, thống kê, giải thích bản án, quyết định đã được Tòa án ra quyết định thi hành; tiếp tục khẳng định vai trò của Chính phủ trong việc thống nhất về Nhà nước trong việc quản lý THA.
Trong đó, Bộ Công an tiếp tục chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về THA hình sự, Bộ Tư pháp tiếp tục chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về THA dân sự, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp quản lý THA trong Quân đội nhân dân, kiện toàn tổ chức THA trong quân đội cả dân sự và hình sự theo hướng thống nhất thu về một đầu mối; thực hiện phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong tổ chức quản lý THA trên phạm vi địa phương; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động THA theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, nhất là nhân rộng thí điểm Thừa phát lại.

Đọc thêm