Nhất trí sớm xây dựng Luật Thừa phát lại

(PLO) - Tại phiên họp chiều qua (16/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất cho dừng việc thí điểm chế định Thừa phát lại, giao Chính phủ ban hành một Nghị quyết về việc tổ chức hoạt động Thừa phát lại để trên cơ sở tổng kết Nghị quyết này trình Quốc hội Luật Thừa phát lại. 
Thừa phát lại đang tư vấn cho khách hàng về thủ tục lập vi bằng
Thừa phát lại đang tư vấn cho khách hàng về thủ tục lập vi bằng
Những kết quả đáng chú ý
Trình bày Báo cáo tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, đến nay, tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 Văn phòng (VP) TPL được thành lập, trong đó khoảng 50% các VP TPL được tổ chức theo hình thức công ty hợp danh và 50% được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp tư nhân. 
Về nguồn nhân lực, tổng số nhân lực đang làm việc tại 53 VP TPL là 643 người, trong đó có 134 TPL; 295 Thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên khác. Đội ngũ TPL đang hành nghề là những người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực pháp lý, trong đó phần lớn đã là luật sư, thẩm phán, điều tra viên, chấp hành viên…
Tính đến ngày 31/7/2015, các VP TPL đã tống đạt được 834.734 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu là 107 tỷ 552 triệu 100 nghìn đồng. 
Trong các mảng công việc, hoạt động tống đạt chiếm tỷ trọng lớn với 834.734 văn bản được tống đạt và doanh thu gần 50 tỷ đồng (chiếm 44,79% tổng doanh thu); kế đến là hoạt động lập vi bằng với 39.027 vi bằng được lập và doanh thu trên 52 tỷ đồng (chiếm 49,07% tổng doanh thu). Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án chiếm tỷ trọng nhỏ với 781 việc xác minh và 322 vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án, doanh thu của 2 loại công việc trên mới đạt gần 7 tỷ đồng (chiếm 9,28% tổng doanh thu).
Nhất trí chuẩn bị xây dựng Luật Thừa phát lại
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh việc thực hiện chế định TPL là một chủ trương về xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được ghi trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về cho thí điểm hoạt động này. Đến nay chúng ta đã triển khai thực hiện trên thực tế và qua tổng kết cho thấy chế định TPL có những ưu điểm, mặt tốt để có thể giảm gánh nặng cho các cơ quan Tòa án và Thi hành án, đồng thời tăng cường lựa chọn cho người dân trong việc lựa chọn các dịch vụ pháp lý. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng kết quả triển khai thí điểm chế định TPL ở 13 tỉnh, thành phố cho thấy đây là một chế định tốt. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội tán thành với đề xuất chấm dứt việc thí điểm và cho phép triển khai chính thức chế định TPL. 
Tán thành với đề xuất của Ủy ban Tư pháp, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng trên thực tế xác định địa vị pháp lý của TPL chính là việc quan trọng nhất. Do vậy, ông đề nghị trên cơ sở tổng kết 2 lần thực hiện chế định thí điểm TPL để nhân rộng mô hình thành lập các VP TPL tùy vào hoàn cảnh cụ thể và điều kiện của các địa phương. 
Tổng kết phiên họp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu tán thành với ý kiến của đa số các thành viên trong Ủy ban Tư pháp là cho dừng việc thí điểm. Quốc hội sẽ ban hành một Nghị quyết về việc thực hiện TPL với các điều kiện, nội dung, phạm vi, trình tự thủ tục nhất định, sau đó giao cho Chính phủ ban hành Nghị quyết làm cơ sở cho việc ai, cơ sở nào đủ điều kiện của cả Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ thì được thực hiện hoạt động TPL. Trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật TPL. 

Đọc thêm