“Nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng rất vinh quang”

(PLO) - Ngày 15/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-TTg thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (QLXLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) trực thuộc Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-BTP ngày 03/6/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhân dịp Bộ Tư pháp tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Cục QLXLVPHC và TDTHPL.
Kết quả của sự nỗ lực, cố gắng
Thưa Bộ trưởng, trước hết xin chúc mừng Bộ Tư pháp được Đảng và Nhà nước tin tưởng tiếp tục giao thêm trách nhiệm quản lý nhà nước, mong Bộ trưởng chia sẻ cảm nghĩ về việc thành lập một đơn vị mới thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ nặng nề khi quản lý hai lĩnh vực có phạm vi rất rộng, gồm XLVPHC và TDTHPL?
- Xin cảm ơn lời chúc mừng của nhà báo về sự kiện công bố Quyết định  của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục QLXLVPHC và TDTHPL trực thuộc Bộ Tư pháp. Phải nói rằng đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Bộ, ngành Tư pháp. Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về XLVPHC nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, đồng thời khẳng định một bước phát triển mới về cơ chế pháp lý bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính nhà nước ở nước ta phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Tôi cảm thấy vui mừng trước hết là từ nay, công tác XLVPHC được quản lý thống nhất, vừa có điều kiện phát huy tốt hơn công cụ XLVPHC trong quản lý xã hội, vừa bảo đảm cho công tác xử phạt, xử lý đúng pháp luật, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Vui mừng tiếp theo là từ nay công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực XLVPHC đã được gắn với công tác quản lý nhà nước. Thực tiễn cho thấy, việc thiếu gắn kết giữa xây dựng pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật (THPL) về XLVPHC, trong khi quản lý phân tán không thống nhất đã gây nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng, thi hành và hoàn thiện pháp luật về XLVPHC.
Tôi rất vui mừng vì Cục QLXLVPHC và TDTHPL là một thiết chế cần thiết và hết sức quan trọng đã được thành lập để triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC mới được giao cho Bộ Tư pháp. Bên cạnh sự vui mừng đó, tôi cũng thấy lo lắng với những trách nhiệm mà Bộ, ngành Tư pháp phải đảm đương từ sự kiện thành lập Cục QLXLVPHC và TDTHPL. Chính vì vậy, tôi hy vọng và kỳ vọng các nhiệm vụ thuộc hai lĩnh vực trên sẽ được triển khai thực hiện một cách bài bản, nền nếp, có hiệu quả cao theo hướng chuyên sâu, thực chất, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với tổ chức thực thi pháp luật nghiêm chỉnh, thống nhất, chính xác, phục vụ đắc lực cho việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo vệ và bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Nhiệm vụ TDTHPL đã được giao cho Bộ Tư pháp từ vài năm gần đây và Bộ cũng đã giao cho một đơn vị thuộc Bộ thực hiện. Bộ trưởng có thể cho biết những yếu tố hợp lý khi chuyển giao nhiệm vụ này cho Cục và những nội dung chủ yếu gắn kết hai nhiệm vụ này là gì?
- Nhiệm vụ theo dõi tình hình THPL được giao cho Bộ Tư pháp từ năm 2008 theo Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật là đơn vị thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý công tác xây dựng pháp luật, theo dõi chung tình hình THPL và công tác pháp chế. Tuy nhiên, tới đây Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới có phạm vi rộng và tính chất phức tạp như tổ chức thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; cải cách thể chế theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020; hướng dẫn áp dụng pháp luật theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... Đồng thời, nhiều nhiệm vụ do Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đang thực hiện cũng có sự mở rộng về nội dung, yêu cầu, đối tượng và phạm vi quản lý như đổi mới quy trình xây dựng, thẩm định chính sách gắn với lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; kiện toàn và quản lý đối với tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và địa phương... Điều này tạo nên những áp lực và thách thức cho Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. 
Trước yêu cầu chuyển hướng từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả THPL, trong đề xuất thành lập Cục QLXLVPHC và TDTHPL, Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Cục thực hiện hai chức năng, nhiệm vụ cơ bản, đó là tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tổ chức THPL về XLVPHC và theo dõi chung tình hình THPL trong phạm vi cả nước. 
Đề xuất này xuất phát từ những nội dung cụ thể có mối liên hệ, gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau của hai nhiệm vụ: một là, quản lý nhà nước về THPL, mà nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn hiện nay là theo dõi chung về THPL trong phạm vi cả nước; hai là, quản lý THPL trong lĩnh vực cụ thể là XLVPHC. Ba nhóm nhiệm vụ theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình THPL và tám nhóm nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý công tác THPL về XLVPHC theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật XLVPHC, có nhiều nội dung thể hiện rõ mối quan hệ tương hỗ giữa quản lý chung và quản lý chuyên ngành như đôn đốc, theo dõi ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật; theo dõi tình hình THPL và hướng dẫn áp dụng pháp luật; tình hình bảo đảm các điều kiện cho THPL; tình hình tuân thủ pháp luật; thống kê, báo cáo về tình hình THPL… Việc giao cho Cục Quản  lý XLVPHC và TDTHPL thực hiện hai nhiệm vụ này hợp lý và sẽ là giải pháp đột phá trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TDTHPL.
Phát huy tính chủ động,  sáng tạo của những người tiên phong
Công việc của đơn vị mới chắc chắn có nhiều việc phải làm. Theo Bộ trưởng, việc quan trọng đầu tiên phải làm là gì và Bộ đã dự kiến những công việc tiếp theo như thế nào?
- Như tôi đã đề cập, công việc trước mắt của Cục QLXLVPHC và TDTHPL rất đồ sộ và bề bộn. Đến thời điểm hiện nay cũng đã tròn một năm kể từ ngày phần nội dung quy định về xử phạt VPHC của Luật XLVPHC có hiệu lực, do vậy, mặc dù là đơn vị mới thành lập nhưng đòi hỏi Cục phải khẩn trương triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ, trong đó tập trung vào hai mảng công việc lớn:
Một là, công tác chuyên môn, nghiệp vụ: Cục cần khẩn trương xây dựng ngay kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC trong thời gian còn lại của năm 2014 để định hướng cho các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công. Về hoàn thiện thể chế, Cục phải theo dõi sát sao tình hình triển khai thi hành Luật XLVPHC cũng như các nghị định, thông tư, thông tư liên tịch quy định chi tiết thi hành Luật. Đồng thời, Cục phải phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hữu quan để nghiên cứu, xây dựng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để thể chế kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối của Đảng, quy định toàn diện, đầy đủ các lĩnh vực quản lý nhà nước, ví dụ như xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai. Đây là vấn đề phải được ưu tiên hàng đầu để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện áp dụng pháp luật một cách thống nhất, bảo đảm sự khách quan và công bằng. 
Đồng thời, Cục phải triển khai ngay việc hướng dẫn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho những người trực tiếp làm công tác XLVPHC và hướng dẫn áp dụng pháp luật về XLVPHC gắn với công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền XLVPHC quán triệt và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới của Luật XLVPHC. Cục cũng phải tổng hợp, báo cáo, đưa ra được một bức tranh chung về tình hình THPL về XLVPHC trong một năm qua, kể từ ngày Luật có hiệu lực để làm cơ sở đề xuất các kiến nghị, giải pháp cho việc triển khai nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC trong thời gian tới và những năm tiếp theo. 
Cùng với đó, Cục cũng cần tập trung tiếp tục thực hiện Kế hoạch theo dõi chung về THPL năm 2014 đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt vì đây đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014. Do vậy, phải hoàn thành và về đích, thậm chí là về đích sớm đối với việc thực hiện nhiệm vụ này.
Hai là, công tác kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác quản lý THPL về XLVPHC trong toàn quốc: Sau khi có Quyết định thành lập Cục QLXLVPHC và TDTHPL, qua theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy đã có những bước chuyển biến rất tích cực và sự hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ thực hiện nhiệm vụ này. Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp của các đơn vị trong Bộ, của Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, UBND các cấp, Cục cần tham gia tích cực vào việc triển khai Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác THPL về XLVPHC của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương; chủ động tổ chức tập huấn về nội dung các nhiệm vụ mới QLXLVPHC cho đội ngũ cán bộ làm công tác này ở các Bộ, ngành, địa phương, qua đó từng bước bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về XLVPHC.
Hy vọng rằng trong năm 2014, việc kiện toàn tổ chức cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC từ Trung ương đến cơ sở sẽ được hoàn thành về cơ bản. 
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đọc thêm