Nhiều điểm sáng trong công tác tuyên truyền pháp luật vùng Tây Bắc

(PLO) - Trong điều kiện nguồn kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật cực kỳ eo hẹp, địa bàn lại cách trở, trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế do chủ yếu dân cư là người dân tộc thiểu số sống ở các vùng khó khăn, nhưng các tỉnh Tây Bắc vẫn luôn tìm cách xoay xở, tìm tòi, đổi mới các hình thức tuyên truyền để pháp luật ngày càng đến gần hơn với cuộc sống.

Một trong những mô hình tuyên truyền pháp luật được đánh giá cao ở Lào Cai là mô hình Ban Tuyên vận xã, phường, thị trấn; Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố. Nhận thấy việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước thông qua các tổ tuyên vận là hình thức mới, thiết thực, sinh động nên cách đây hơn 5 năm Lào Cai đã mạnh dạn thực hiện thí điểm mô hình nói trên. 

Các ban tuyên vận cấp xã tối thiểu phải có 9 thành viên (tối đa do cấp ủy cấp xã quyết định phù hợp với thực tiễn của đơn vị, thực tế đã có xã bố trí tới 19 thành viên với lý do là địa phương có nhiều thôn, địa bàn nhiều khó khăn); trưởng ban tuyên vận phải là bí thư hoặc phó bí thư thường trực cấp ủy. Ban tuyên vận, tổ tuyên vận có trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp xã và chi bộ ở thôn, tổ dân phố thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo của cấp ủy và chi bộ trong công tác tư tưởng, dân vận ở cơ sở.

Không những góp phần vào việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, mô hình tuyên vận còn thể hiện vai trò trong nhiều lĩnh vực của đời sống, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. 

Đến nay, mô hình này được triển khai thực hiện tại tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, bản của tỉnh Lào Cai. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh đánh giá, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp đối với công tác “tuyên vận” được nâng lên, hiệu quả mô hình sau thời gian triển khai rất rõ nét. 

Tại Lai Châu, tỉnh miền núi biên giới với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiếu số chiếm tới 84%, đại bàn cách trở với đường biên giới dài, song năm 2017, Lai Châu đã tổ chức thành công Hội thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi. Hội thi diễn ra từ cấp cơ sở với sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, sự cổ vũ nhiệt tình của người dân.

Giám đốc Sở Tư pháp Lê Thanh Hải cho biết: Hội thi là dịp để các tuyên truyền viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, nắm vững nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật, nhất là các văn bản vừa mới được Quốc hội thông qua, nhằm phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn. Đồng thời cũng là dịp để các tuyên truyền viên trong tỉnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ ở địa phương.

Ngoài ra, Lai Châu còn thực hiện thường xuyên Ngày Pháp luật, mỗi lần là một chủ đề mới nhằm tuyên truyền các chính sách pháp luật mới đến cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước và nhân dân. Ngoài ra, Lai Châu cũng duy trì tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn. Hiện nay Lai Châu có 108 tủ sách, khoảng 200 đầu sách/tủ. Tuy nhiên, nhận thấy tủ sách pháp luật nếu “nằm im” một chỗ phục vụ cán bộ cơ sở thì sẽ không phát huy vai trò nên tỉnh đã chỉ đạo thực hiện luân chuyển sách giữa các điểm bản, đã xây dựng tủ sách trên trang thông tin điện tử. Năm 2017 Sở Tư pháp cũng quyên góp để tăng tặng 1 tủ sách. 

Ở Điện Biên, cũng xác định việc nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, ngành Tư pháp đã chủ động trong việc vận dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp vừa hiệu quả, thiết thực và không đòi hỏi tốn kém nhiều về kinh phí. Một trong những giải pháp đó là phát huy thế mạnh của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã (hiện có trên 2 ngàn người). Đây là đội ngũ cán bộ xã, già làng, trưởng bản có uy tín, hiểu biết, tiếng nói trong cộng đồng dân cư nên các chính sách pháp luật vì thế được truyền tải dễ dàng hơn. Ngoài ra, năm 2017,  các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã biên soạn và cấp phát miễn phí 81.836 tài liệu tuyên truyền pháp luật (trong đó 17.542 tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số).

Công tác trợ giúp pháp lý cũng là một thế mạnh của Điện Biên. Năm 2017, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) và các chi nhánh đã thực hiện được hơn 700 vụ việc, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng tăng gấp 1,4 lần; đã thực hiện truyền thông về TGPL đén 10 xã thuộc các huyện nghèo với gần 1700 lượt người tham dự. Riêng trong quý I, đã TGPL cho hơn 200 vụ việc, trong đó vụ việc tham gia tố tụng tăng hơn 100 vụ…

Sẽ khó để kể hết các hình thức tuyên truyền mà các tỉnh Tây Bắc đang thực hiện nhằm truyền tải pháp luật đến nhân dân, song điểm một vài hình thức cho thấy những nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị cũng như cơ quan tư pháp địa phương. Trong điều kiện nguồn lực có hạn thì những mô hình này là điểm sáng rất đáng được ghi nhận…  

Đọc thêm