Nhiều quy định mới có lợi cho các bên trong thi hành án dân sự

(PLO) - Với nhiều nội dung mới, Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, đáng chú ý nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến người được và người phải thi hành án.

Bổ sung quy định đương sự có quyền thỏa thuận thi hành án
Tổng kết thi hành Luật Thi hành án dân sự (THADS) cho thấy, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này bộc lộ nhiều khiếm khuyết, đó là: trình tự, thủ tục thi hành án còn rườm rà, phức tạp, nhiều công đoạn, quá trình thi hành án kéo dài; chưa có cơ chế để đương sự tham gia một cách tích cực vào quá trình thi hành án; chưa có quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người được thi hành án mà chủ yếu là các quy định bảo vệ quyền lợi đối với người phải thi hành án, dẫn tới việc người phải thi hành án chây ỳ, cố tình kéo dài thi hành án và không tự nguyện thi hành án; mặt khác, việc áp dụng các biện pháp chế tài về kinh tế, hành chính, hình sự đối với người phải thi hành án không được quyết liệt, kịp thời nên chưa có đủ sức mạnh để răn đe...
Ảnh minh họa. Nguồn internet
 Ảnh minh họa. Nguồn internet
Theo đó, Dự thảo bổ sung người được thi hành án có quyền yêu cầu cưỡng chế tài sản cụ thể của người phải thi hành án và chịu trách nhiệm về yêu cầu đó; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường. Quy định này nhằm tăng quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người phải thi hành án nếu họ không tự nguyện thi hành án. 
Dự luật cũng bổ sung quy định cụ thể đương sự có quyền thỏa thuận thi hành án, trong đó người được thi hành án được nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, chấp hành viên lập biên bản về việc thỏa thuận và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự làm căn cứ chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến đồng tình còn một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kỹ quy định này.
Theo Cục trưởng Cục THADS TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lực thì nên “hạn chế các quy định về thỏa thuận của các đương sự trong thi hành án” và cần xem sự thỏa thuận là quyền của đương sự. Các đương sự có trách nhiệm tự thỏa thuận với nhau và thông báo cho chấp hành viên biết kết quả. “Chấp hành viên chỉ ghi nhận thỏa thuận của các đương sự khi các thỏa thuận đó đã được các đương sự tự nguyện thực hiện. Không nên đưa việc thỏa thuận của đương sự vào thành các quy định thủ tục bắt buộc”.
Còn theo phân tích của Cục THADS Bà Rịa – Vũng Tàu thì Luật THADS hiện hành quy định đương sự có quyền thỏa thuận về thi hành án ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình chấp hành viên tổ chức thi hành án. Thậm chí, nội dung thỏa thuận có thể không đúng hoặc trái với nội dung bản án, quyết định. Nếu như thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội thì chấp hành viên vẫn phải ghi nhận và đôn đốc các bên thực hiện theo sự thỏa thuận.
Mặt khác, sau khi thỏa thuận của đương sự được chấp hành viên chứng kiến, ghi nhận đã phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Sau đó, một trong các bên đương sự không tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận thì chấp hành viên sẽ gặp khó khăn.
Cũng theo Cục THADS Bà Rịa – Vũng Tàu, Luật THADS mới dừng ở việc quy định quyền của các đương sự trong việc thỏa thuận về thi hành án mà chưa quy định rõ trách nhiệm của các bên đương sự trong việc thỏa thuận. Do vậy, đề nghị quy định bổ sung trách nhiệm của đương sự khi không thực hiện đúng thỏa thuận về thi hành án.
Từ thực tiễn công tác THADS cho thấy, nếu đương sự tự nguyện thi hành án mà không phải tổ chức cưỡng chế thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và ngân sách của Nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho công dân.
Vì lý do này, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TANDTC) Nguyễn Văn Cường đề nghị: “Cần xây dựng tiêu chí khuyến khích như giảm hoặc miễn giảm nghĩa vụ cho người phải thi hành án và giao cho Tòa án thực hiện công việc này. Bởi nếu người phải thi hành án chây ỳ mà được lợi thì chây ỳ ngày càng gia tăng”.
Nhiều quy định mới xử lý tài sản không có người mua
Dự thảo Luật bổ sung quy định về việc xử lý đối với tài sản thi hành án không có người tham gia đấu giá, trả giá và quy định cụ thể nếu sau 03 lần giảm giá mà không có người tham gia đấu giá, trả giá thì chấp hành viên yêu cầu người được thi hành án nhận tài sản kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án mà không cần có sự đồng ý của người phải thi hành án và những người có chung tài sản bị kê biên đó; nếu người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án và trả lại đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật THADS.
Tuy nhiên, đối với việc xử lý tài sản để thi hành cho các khoản nộp ngân sách nhà nước thì chấp hành viên xử lý đến cùng cho đến khi bán đấu giá thành tài sản.

Đọc thêm