Nhiều văn bản trái pháp luật đã được xử lý kịp thời

(PLVN) - Ngày 6/11, Cục Kiểm tra văn bản Qui phạm pháp luật (QPPL) - Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án JICA – Nhật Bản tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản QPPL.
Ông Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL.
Ông Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Xuân Hoan – Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL cho biết trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, một trong những nội dung, yêu cầu mục tiêu của chiến lược đặt ra là xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ thấp. 
Triển khai Nghị quyết trên, thời gian qua đã xây dựng hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh tất cả quan hệ đời sống xã hội. Tuy nhiên quá trình triển khai, từ khi đất nước hội nhập sâu rộng quốc tế, không tránh khỏi khiếm khuyết. Để đảm bảo yêu cầu đặt ra, có Luật ban hành văn bản QPPL, trong đó quy định nguyên tắc, quy trình để điều chỉnh đặc thù cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. 
Nhìn nhận lại tổng thể, theo thống kê của Bộ Tư pháp (nhân dịp thực hiện kỳ hệ thống hóa lần 2 giai đoạn 2014 – 2018), khối lượng văn bản từ khi đổi mới tới nay khá đồ sộ, gần 9.000 văn bản QPPL do cơ quan Trung ương ban hành, chưa kể mỗi tỉnh thành cũng ban hành. Theo thống kê phải gần 100.000 văn bản trong cả hệ thống pháp luật, điều này khó tránh khỏi chồng chéo, mâu thuẫn không phù hợp với thực tiễn của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp nói chung, đặc biệt là Cục kiểm tra Văn bản QPPL đã đẩy mạnh hoạt động, sử dụng những công cụ hậu kiểm nhằm đảm bảo chất lượng của văn bản QPPL đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 
Phát biểu trực tuyến từ Nhật Bản, Cố vấn trưởng của Dự án JICA cho biết Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trên thế giới chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia đã rất thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Tiếp lời, vị Cố vấn trưởng Dự án cho biết ở quốc gia nào trên thế giới cũng vậy, mỗi khi người ta muốn nâng cao chất lượng quản lý thì cần tổ chức Hội thảo lấy ý kiến. “Chắc chắn chúng ta sẽ thu được nhiều ý kiến khác nhau từ các đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó có những ý kiến không mang tính chuyên môn nhưng có thể tìm ra vấn đề quyết định, mang tính cốt lõi”, Cố vấn trưởng của Dự án JICA nói.
 

Theo báo cáo tham luận tại Hội thảo, năm 2019, các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 10.919 văn bản QPPL. Qua đó đã phát hiện 281 văn bản QPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành. So với năm 2018, giảm 11,4%. Về kết quả xử lý văn bản, đến hết tháng 12/2019, các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã xử lý được 155/281 văn bản QPPL trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành; 75/114 văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL; còn 165 văn bản đang được xử lý… 

Cũng trong năm 2019, Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) đã tiến hành kiểm tra 4.885 văn bản QPPL (gồm 580 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang bộ, 4.305 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh). Qua kiểm tra đã phát hiện và kết luận đối với 165 văn bản QPPL sai về nội dung, thẩm quyền và văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL. Đến nay, đã có 88/165 văn bản đã được xử lý.
 

Có thể thấy, việc phát hiện, xử lý nhiều văn bản thông qua hoạt động kiểm tra văn bản đã góp phần tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo chất lượng của hệ thống pháp luật. Hoạt động này thể hiện sự kết nối liên thông giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật, giữa công tác tiền kiểm với công tác hậu kiểm, góp phần từng bước nâng cao chất lượng của văn bản qui định chi tiết, khả năng phát hiện sai sót và phản ứng chính sách kịp thời hơn. 

Với những kết quả cụ thể về việc các văn bản trái pháp luật được xử lý, nhất là các văn bản có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích nhà nước và xã hội, cơ quan kiểm tra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội, khẳng định tính đúng đắn của cơ chế kiểm tra văn bản và củng cố niềm tin vào mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đọc thêm