Nhiều ý tưởng sáng tạo trong năm 2020

(PLVN) - Trên nền tảng những thành công trong năm 2019, nhiều Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ đã sẵn sàng với những ý tưởng, kế hoạch mới trong năm 2020 nhằm mục tiêu tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, hướng đến kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Tư pháp.

* Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi:

Tiếp tục nỗ lực hoàn thành và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020

Trong bối cảnh số lượng việc và tiền phải thi hành án tăng theo từng năm, đồng thời thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế theo chủ trương chung của Đảng và Chính phủ, nhưng các cơ quan THADS đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, về việc đạt 78,59% (cao hơn 5,59% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao); về tiền đạt 35,43% (cao hơn 2,43% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao); đã thi hành xong 298/637 việc thi hành án hành chính (THAHC) được giao theo dõi.

 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, Tổng cục THADS đã xác định triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: Triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật về THADS, THAHC; nâng cao hiệu quả thi hành án trong vụ án tham nhũng, kinh tế, án tín dụng ngân hàng; đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS; kiện toàn bộ máy, đội ngũ công chức THADS; tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương… 

* Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn:

Nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020

So với năm 2018, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, năm 2019 được đánh giá là năm có khối lượng công việc lớn, nội dung phức tạp, nhưng Cục đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ theo Kế hoạch và các nhiệm vụ phát sinh, đột xuất khác do Lãnh đạo Bộ giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc ở mức độ cao. Cục được đề nghị tặng thưởng Cờ thi đua Chính phủ cho những thành tích xuất sắc đạt được năm 2019. 

 

Trong năm 2020, Cục xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật (THPL) và xử lý vi phạm hành chính; tiếp tục chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và các địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL thông qua việc tập trung thực hiện các giải pháp của Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL giai đoạn 2018-2022 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg; tăng cường tập huấn, tổ chức các hội nghị bàn về các giải pháp tiếp tục thực hiện cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần duy trì và tiếp tục cải thiện điểm số và vị trí xếp thứ hạng của Việt Nam về chỉ số này…

* Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc:

Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong năm 2019, Vụ đã tập trung triển khai các nhiệm vụ quan trọng như tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW, tổng kết các Luật PBGDPL, Hòa giải ở cơ sở; sơ kết Quyết định số 619/QĐ-TTg gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chú trọng tập huấn nghiệp vụ kết hợp kiểm tra, nắm bắt khó khăn, vướng mắc và kịp thời giải đáp, tháo gỡ cho địa phương; tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình, cách làm hay, hiệu quả…

 

Đặc biệt, việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong PBGDPL được đẩy mạnh để việc truyền tải, cung cấp thông tin cho cán bộ, nhân dân thuận tiện, kịp thời.

Trong năm 2020, Vụ sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các luật, pháp lệnh mới được ban hành, nhất là các văn bản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin về PBGDPL, phát huy mạng xã hội để PBGDPL; triển khai thực hiện Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021; xây dựng, vận hành Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; tiếp tục tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho người dân theo chủ đề thiết thực…

* Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An:

Tiếp tục tăng cường công tác pháp luật quốc tế nhằm phục vụ tốt hơn quá trình hội nhập của đất nước

Năm 2019, Vụ đã chủ động thực hiện hiệu quả chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện công tác pháp luật quốc tế. Trong đó, Vụ đã chủ trì thẩm định 76 điều ước quốc tế, góp ý 233 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, chất lượng thẩm định, góp ý được các bộ, ngành, cơ quan đánh giá cao.

 

Bên cạnh đó, Vụ cũng đã cấp 07 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài. Đặc biệt, Vụ làm đầu mối tham mưu giúp Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Công ước và ban hành Kế hoạch thực hiện của riêng Bộ Tư pháp…

Nhằm phục vụ tốt hơn quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, năm 2020, Vụ sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chủ trì, đại diện cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp về đầu tư quốc tế; thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện pháp luật để thực hiện cam kết trong ASEAN nhân năm Việt Nam là chủ tịch của tổ chức này; xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 tiến tới trình Quốc hội vào năm 2021... 

* Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên:

Thúc đẩy quan hệ với các đối tác quốc tế phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan cùng nỗ lực, quyết tâm của tập thể Vụ, Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT) đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác năm 2019.

 

Quan hệ với các nước láng giềng như Lào, Campuchia tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc Bộ trưởng Lê Thành Long đồng chủ trì Hội nghị tư pháp đường biên với Campuchia lần thứ 2, thăm luân phiên Lào (tiếp kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào); quan hệ với các đối tác truyền thống được củng cố; quan hệ với các đối tác cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam được tăng cường; các dự án, chương trình với EU, UN, Pháp… tiếp tục được triển khai hiệu quả. Vụ cũng giúp Lãnh đạo Bộ hoàn thành tổng kết 10 năm Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Năm 2020, Vụ sẽ tập trung đổi mới quản lý nhà nước về HTQT về pháp luật theo kết quả tổng kết Chỉ thị 39-CT/TW; đánh giá tình hình hợp tác để đề xuất với Lãnh đạo Bộ các biện pháp củng cố, tăng cường hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN…

* Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương:

Tổ chức thành công Hội thảo cấp quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0

Với sự chung tay, vào cuộc của các chuyên gia, nhà khoa học, năm 2019 là một năm thành công đối với hoạt động khoa học của Bộ. Đặc biệt, điểm nhấn trong năm 2019 là việc Bộ Tư pháp tổ chức thành công hội thảo cấp quốc gia về “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.

 

Đây là sự kiện thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, sự tham gia của Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành. Tại Hội thảo, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ tầm nhìn về hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 với yêu cầu rất cao về tốc độ phản ứng chính sách, tính mới trong tư duy thiết kế.

Trong năm 2020, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phục vụ việc tham gia xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các định hướng chiến lược mới về xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp. Đặc biệt, Bộ sẽ tổ chức một hội thảo cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật” để tiếp tục khai thác di sản vô giá mà Bác để lại cho công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh mới.

Đọc thêm