Nhớ một lần tới xứ sở Bạch Dương

(PLO) - Tháng 5/2011, tôi vinh dự được tháp tùng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp tới Nga tham dự Diễn đàn Pháp luật quốc tế tại St. Petersburg.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác tới thăm và làm việc tại Trường Mgimo
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác tới thăm và làm việc tại Trường Mgimo
Đồng thời, Đoàn công tác thực hiện một số cuộc gặp song phương với Bộ Tư pháp, Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao, Viện kiểm sát, Hiệp hội Luật gia Liên bang Nga nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm của Nga để phục vụ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp đang diễn ra sâu rộng ở Việt Nam. 
Đây thực sự là một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm với các thành viên trong Đoàn. Đoàn có 11 thành viên thì có tới 8 người từng học tập và công tác tại Liên bang Nga. Nước Nga đã đào tạo cho ngành Tư pháp Việt Nam nhiều lãnh đạo chủ chốt. Bộ trưởng Hà Hùng Cường luôn tự hào là một cựu sinh viên của Học viện Quan hệ quốc tế Mgimo, nơi không chỉ đào tạo kiến thức phong phú mà còn trang bị cho học viên một tư duy lãnh đạo không bao giờ lạc hậu. 
Những thành viên khác của Đoàn cũng đã thành đạt từ cái nôi học tập vĩ đại này. Ông Lê Thành Long khi ấy là Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, sau một thời gian đảm nhận cương vị Thứ trưởng Bộ Tư pháp nay đã đi luân chuyển làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. 
Ông Lê Hồng Sơn, khi ấy là Chánh Văn phòng Bộ, sau một thời gian giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Tư pháp nay cũng đã đi luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Khánh Ngọc, khi ấy là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Phan Chí Hiếu, khi ấy là Phó Chánh Văn phòng Bộ, nay đều đã đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Tư pháp. 
Ông Nguyễn Thái Phúc, Giám đốc Học viện Tư pháp, nay đã nghỉ hưu, cũng đã có thời gian dài học tập tại các trường danh tiếng ở  nước Nga.  Ông Vũ Đức Long, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, nay đã nghỉ hưu, thì nhận nhiệm vụ phiên dịch cho Đoàn công tác vì ông là người rất giỏi tiếng Nga và cũng là người có thời gian công tác rất lâu ở Nga. Chúng tôi gọi đùa ông là “ông ngoại” vì con gái ông ở lại Nga sinh sống và làm việc mới sinh con vào đúng dịp Đoàn sang Nga công tác. Bà Dương Thị Thanh Mai, chuyên viên cao cấp của Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý càng có nhiều kỷ niệm về con người, về cảnh vật nơi đây. 
Sau nhiều năm mới có dịp trở lại nước Nga vĩ đại, mỗi địa danh, mỗi cảnh vật đi qua đều gợi lại cho các thành viên trong Đoàn rất nhiều kỷ niệm.
Tháng 5 ở Nga thời tiết rất đẹp, bắt đầu một mùa hè với ánh nắng huy hoàng trên các cung điện tráng lệ, những tòa tháp mạ vàng, những dòng sông hùng vĩ, những hàng cây rợp bóng... Thiên nhiên và các công trình kiến trúc luôn là một điểm nhấn để mọi người ngưỡng mộ về nước Nga. 
Có một điều thú vị là dưới ánh nắng vàng rực ấy, nhiệt độ ngoài trời vẫn duy trì ở mức 18 – 200C nên không hề đem lại cảm giác khó chịu cho những người mới đến. Tuy chưa phải là thời điểm xuất hiện các đêm trắng nhưng ở Matxcơva hay ở St. Petersburg, 11 – 12 giờ đêm nhìn ra ngoài vẫn có cảm giác như trời đang sáng. 
Ở Matxcơva, lịch làm việc của Đoàn công tác luôn dày đặc. Tắc đường là điều mà chúng tôi sợ  nhất vì vào đầu giờ làm việc hay lúc tan tầm, chỉ cần chậm một chút là Đoàn có thể phải chôn chân ngoài đường hàng tiếng đồng hồ, nhỡ hết các lịch hẹn làm việc. Bởi vậy, các anh chị ở Đại sứ quán Việt Nam tại Nga luôn cẩn thận nhắc Đoàn về thời gian xuất phát, lộ trình di chuyển tới mỗi địa điểm. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường là người rất cẩn thận, thậm chí là cầu toàn. Trước mỗi buổi làm việc, ông luôn yêu cầu các tài liệu phục vụ chương trình làm việc phải được chuẩn bị chu đáo nhất. Thế mới có chuyện ở Matxcơva, 2 - 3 giờ sáng chúng tôi vẫn thấy ông Lê Thành Long cặm cụi ngồi chuẩn bị tài liệu cho Bộ trưởng mặc dù các thông tin phục vụ Đoàn công tác đã được chuẩn bị rất đầy đủ từ trong nước. 
Còn trên chuyến tàu từ Matxcơva đến St. Petersburg dự Diễn đàn Pháp luật quốc tế, suốt đêm Bộ trưởng ngồi thảo luận cùng ông Lê Hồng Sơn và ông Lê Thành Long về các phát biểu của Đoàn Bộ Tư pháp Việt Nam tại Diễn đàn. 
Ấy thế nhưng cứ hết giờ làm việc, Bộ trưởng lại không quên dẫn chúng tôi đi ăn món Sa sư lứt – món thịt nướng của Nga vì “tới Nga mà chưa thưởng thức món ăn này thì thật là chưa biết hương vị Nga”. Tôi cũng không quên được cảnh Bộ trưởng Hà Hùng Cường mải mê ngồi chơi cờ tướng với những người bán tranh bên dòng sông Matxcơva mặc cho cơn dông buổi chiều kéo đến đen kịp trên đầu. 
Ông Phan Chí Hiếu thì nhiệt tình dẫn chúng tôi chen vào đám đông, đi mấy ga tàu điện ngầm vì “tới Nga mà chưa đi tàu điện ngầm thì thật là phí”. Tôi cũng không quên được vị mặn của món cá Astrakhan mà ông Lê Hồng Sơn được một người bạn gửi tặng mang ra “chiêu đãi” Đoàn khi chúng tôi tới thăm Cung điện mùa hè.  
Thấm thoắt đã 5 năm trôi qua. Sau chuyến đi này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng các lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có nhiều lần trở lại Nga công tác. Thế nhưng, chuyến đi tới Nga vào tháng 5/2011 vẫn là một chuyến công tác thật đặc biệt, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Và đối với một phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam như tôi, đây thực sự là một chuyến công tác xa nhiều ý nghĩa.

Đọc thêm