Những câu chuyện đầy tình người của trợ giúp viên pháp lý

(PLO) -Băng rừng, lội suối đến vùng sâu, vùng xa tư vấn pháp luật cho người dân tộc thiểu số, kiên trì theo đuổi vụ việc để đòi quyền lợi cho người có công cách mạng, bào chữa cho bị cáo án hình sự… Những câu chuyện đầy tình người và đậm chất nhân văn này là niềm vui của người dân và cũng chính là niềm vui, mục đích công việc mà trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) hướng đến.
Luật sư, trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Trí Bảy tham gia bào chữa tại phiên tòa
Luật sư, trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Trí Bảy tham gia bào chữa tại phiên tòa

Mang pháp luật đến vùng sâu, vùng xa

Việc mang pháp luật đến vùng sâu, vùng xa đối với các TGVPL xứ Quảng đã trở thành “cơm bữa”. Ông Lê Văn Hương - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn mọi người dân được công bằng trong việc tiếp cận pháp luật và được hưởng quyền lợi chính đáng của mình nên không ngần ngại đến từng bản làng, thôn xóm, dù có những nơi rất xa”.

TGVPL Nguyễn Thị Hồng Thu kể, có lần chị cùng đồng nghiệp đến huyện Phước Sơn trợ giúp pháp lý cho người dân. Từ trung tâm huyện vào các xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Công không thể đi xe ô tô nên mọi người phải đón xe ôm. 

Đường xa, gập ghềnh sỏi đá và nhiều dốc dựng đứng khiến các chị liên tục thót tim. Ở các xã này, người dân tộc Bh’Nông chiếm 90% dân số, kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Bà con phải băng rừng, lội suối với quãng đường khá xa để đến nghe cán bộ trợ giúp, tư vấn pháp luật. 

Trong thời gian ở các xã miền núi này, chị Thu và các đồng nghiệp đã giới thiệu những chính sách mới, gần gũi, thiết thực với bà con như Pháp lệnh ưu đãi người có công, Nghị định của Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo, về một số chính sách đối với bộ đội tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc… 

Nhiều người dân cho biết, qua tư vấn, trợ giúp của đoàn công tác, họ mới hiểu được các chính sách của Đảng, nhà nước, các giao dịch dân sự hay hiểu được giá trị của những tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, sau chuyến đi đó, khi trở lại miền núi công tác, các trợ giúp viên mang theo những bao quần áo to để tặng bà con. 

Chị Thu nói: “Thấy bà con vui tươi, hăm hở mang quần áo về, chúng tôi rất hạnh phúc, bởi mình đã chia sẻ một phần nhỏ khó khăn với bà con. TGPL đâu phải lúc nào cũng chỉ là những điều luật, quy định khô khan...”. 

Tư vấn pháp luật cho người dân
Tư vấn pháp luật cho người dân

Đòi lại quyền lợi cho người có công, người khuyết tật

Thương binh Bùi Doãn Giới (SN 1942, trú xã Tam Đại, Phú Ninh, Quảng Nam) chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn của TGVPL mà gia đình tôi đã được cấp sổ đỏ”. 

Ông Giới kể, năm 1992, ông mua của Hợp tác xã 2 Tam Thái (cũ) một nền sân gạch (840m2) với giá 3 triệu đồng. Từ đó về sau, vợ chồng ông canh tác trên mảnh đất ấy để nuôi 3 con ăn học. Bản thân ông Giới là thương binh hạng 4/4, cuộc sống gia đình chỉ dựa vào mảnh vườn này. Từ năm 2005-2012, ông đã nhiều lần làm đơn đề nghị địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng không được giải quyết. 

Sau thời gian dài chờ đợi trong vô vọng, ông Giới đã đến cầu cứu Trung tâm TGPL tỉnh Quảng Nam. Sau khi nghiên cứu hồ sơ của ông, Trung tâm TGPL đã cử TGVPL đến làm việc với chủ tịch UBND xã Tam Đại. TGVPL đã nêu ra những cơ sở pháp lý ghi nhận trường hợp của ông Giới đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Sau khi có văn bản của Trung tâm TGPL, UBND xã Tam Đại đã nhanh chóng lập thủ tục và năm 2013, ông Giới đã được nhận giấy chứng nhận QSDĐ như mong muốn.

Trợ giúp viên Nguyễn Trí Bảy kể, khi tiếp nhận hồ sơ của ông Hồ Văn Hiệp (SN 1963, xã Tam Anh Bắc, Núi Thành, Quảng Nam), anh đã tập trung nghiên cứu để tìm những cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ cho ông Hiệp. 

Ông Hiệp vốn là con liệt sĩ, sau năm 1975 ông tham gia vỡ hoang đồng ruộng và bị nổ mìn do chiến tranh còn sót lại. Tai nạn đã khiến ông bị thương nặng với tỉ lệ mất sức lao động 69%. Ông được UBND huyện Núi Thành ra quyết định hưởng trợ cấp xã hội (TCXH) từ tháng 12/2011, mỗi tháng 180.000 đồng. 

Tuy nhiên, đến tháng 3/2013, UBND xã Tam Anh Bắc cho biết chế độ của ông đã bị cắt, vì biên bản giám định của Hội đồng Giám định y khoa không rõ ràng và xã sẽ lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật đối với ông theo Luật người khuyết tật. 

Ngày 16/8/2013, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã Tam Anh Bắc xác định ông Hiệp chỉ bị khuyết tật nhẹ nên đề nghị UBND huyện Núi Thành thôi TCXH đối với ông Hiệp. Không đồng ý với quyết định trên, ông Hiệp khởi kiện ra TAND huyện Núi Thành nhưng bị tòa này bác đơn. Ông Hiệp tiếp tục kháng cáo lên TAND tỉnh. 

Khi tham gia vụ án, trợ giúp viên Bảy nhận thấy việc UBND xã Tam Anh Bắc lập Hội đồng xác định lại mức độ khuyết tật của ông Hiệp là không đúng quy định pháp luật. TGVPL đã kiến ngị HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của ông Hiệp, buộc UBND xã Tam Anh Bắc và UBND huyện Núi Thành tiếp tục thực hiện lại chế độ TCXH cho ông.

Tư vấn pháp luật cho người dân
Tư vấn pháp luật cho người dân

Bào chữa tại phiên tòa hình sự 

Ngoài tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự, TGVPL còn tham gia vào rất nhiều vụ án hình sự trong vai trò người bào chữa cho bị cáo. 

Theo hồ sơ một vụ án, trưa ngày 25/12/2014, Phạm Đình Nhật (SN 1997) cùng Trần Quốc Lĩnh (SN 1996) và Võ Hoàng Dương (SN 1995, cùng trú thôn 7B, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam) đến chơi tại thị trấn huyện. Tại đây, Lĩnh gợi ý 2 bạn đi cướp giật điện thoại bán lấy tiền xài.

Khoảng 18h cùng ngày, Nhật điều khiển xe máy chở Dương và Lĩnh dạo quanh thị trấn để tìm “mồi”. Nhìn thấy chị Đỗ Thị Cẩm Thúy (SN 1999) đang đi xe đạp và có mang điện thoại, cả bọn liền bám theo, áp sát rồi giật lấy điện thoại và bỏ chạy. Khi 3 tên đem đồ cướp được đến một cửa hàng tại thị trấn gạ bán thì bị Công an bắt giữ. 

Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Tiên Phước xác định giá trị chiếc điện thoại Samsung của chị Thúy là 2.987.000 đồng. Tháng 4/2015, HĐXX sơ thẩm tuyên phạt Lĩnh 40 tháng tù, Nhật 27 tháng tù, Dương 36 tháng tù giam cùng về tội "cướp giật tài sản". Các bị cáo Lĩnh, Dương, Nhật đều kháng cáo, trong đó, đối tượng Dương được TGVPL Nguyễn Trí Bảy nhận bào chữa. 

Ngày 18/9/2015, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án trên. Tại phiên tòa, TGVPL đã nêu những luận cứ nhằm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Dương. Theo cấp sơ thẩm, Dương có tiền sự là "bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về hành vi đánh nhau". 

Tuy nhiên, TGVPL đã chỉ ra nhiều sai sót trong việc ban hành quyết định xử phạt này. Theo hồ sơ, Dương vi phạm đánh nhau từ ngày 22/11/2012 nhưng đến ngày 29/10/2013 mới lập biên bản VPHC (hơn 11 tháng) là không đúng với Luật Xử phạt VPHC. Cụ thể, khoản 1, Điều 3, Luật này quy định "…Việc xử phạt VPHC phải được tiến hành nhanh chóng...".

Về thể thức văn bản, Quyết định xử phạt VPHC của Công an huyện Tiên Phước còn thể hiện nhiều sai sót như: phần "Người nhận ký, ghi rõ họ tên và ngày tháng nhận" vẫn còn để trống, nội dung quyết định không ghi đầy đủ về phần người nhận. Khi bị xử phạt, Dương chưa thành niên nên theo luật định, Quyết định xử phạt phải gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người vi phạm. Thế nhưng Quyết định này không được gửi cho cha mẹ của Dương.

Khoản 1 Điều 74 Luật Xử phạt VPHC quy định: "Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định". Như vậy, đến thời điểm bị cáo Dương gây án thì Quyết định xử phạt VPHC không còn hiệu lực thi hành. 

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 7 Luật Xử phạt VPHC quy định "cá nhân, tổ chức VPHC, nếu tới ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt VPHC". Như vậy, bị cáo Dương được coi như chưa bị xử phạt VPHC.

Từ những lập luận trên, TGVPL đã đưa ra quan điểm: Không có cơ sở để xác định tiền sự của bị cáo Dương. Vì vậy, mức án 36 tháng tù HĐXX sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Dương là quá nặng.

Ngoài ra, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ: chưa có tiền án tiền sự, chỉ là người giúp sức, tự ra đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo, cha bị cáo mất sớm, bị cáo thường xuyên bị bệnh, đại diện bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Dương. 

Trước những chứng cứ, lý luận chặt chẽ của TGVPL, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của Võ Hoàng Dương, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt, tuyên phạt bị cáo Võ Hoàng Dương 15 tháng tù giam, giảm 21 tháng so với án sơ thẩm. 

"Trợ giúp pháp lý cho dân chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và góp phần nâng cao ý thức pháp luật, ứng xử pháp luật của công dân trong quan hệ đời sống hàng ngày. Và mỗi lần mang đến niềm vui cho dân, chúng tôi rất hạnh phúc", luật sư, trợ giúp viên Bảy nói.

Đọc thêm