Nỗ lực xây dựng cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập

(PLO) - Thuộc đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngành Tư pháp có 2 hình thức tổ chức được tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập là Phòng công chứng (PCC) và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (TTDVĐGTS). Nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 19, Tư pháp các địa phương đang nỗ lực nghiên cứu cơ chế tự chủ đối với 2 loại đơn vị sự nghiệp này. 
PCC số 1 tỉnh Long An là 1 trong số ít các tổ chức chuyển sang cơ chế tự chủ
PCC số 1 tỉnh Long An là 1 trong số ít các tổ chức chuyển sang cơ chế tự chủ

PCC ở địa bàn thành phố, đồng bằng sẽ chuyển đổi trước 

Theo Luật Công chứng, trong trường hợp không cần thiết duy trì PCC thì Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi PCC thành Văn phòng Công chứng (VPCC) trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Việc chuyển đổi PCC là nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và công chứng viên, viên chức, người lao động làm việc tại PCC được chuyển đổi. 

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, từ năm 2006, các PCC đã từng bước chuyển sang cơ chế tự chủ, từ tự chủ một phần tiến tới tự chủ toàn bộ, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đến nay đã có 6 địa phương ra quyết định chuyển đổi 9 PCC thành VPCC, gồm Long An (3 PCC và đã phê duyệt đề án chuyển đổi PCC số 4 là PCC cuối cùng của tỉnh), Cần Thơ (2 PCC), Lâm Đồng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Thái Bình mỗi tỉnh 1 PCC. 

Bộ Tư pháp đánh giá, sau hơn 3 năm thi hành Luật Công chứng, số lượng chuyển đổi như vậy là tương đối ít, thậm chí các địa phương có số lượng PCC lớn như Hà Nội, TP HCM đều chưa chuyển đổi PCC nào.

Theo Bộ, con số này phần nào phản ánh sự thận trọng của các địa phương trong quá trình xem xét chuyển đổi PCC bởi nhiều địa phương phản ánh là căn cứ vào quy định của Luật, các địa phương nhận thấy các PCC đã tự chủ 100%, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, có vai trò quan trọng trong đảm bảo ổn định, hài hòa hoạt động công chứng ở địa phương thì chưa cần thiết tiến hành chuyển đổi.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa Bùi Đình Sơn quan niệm, khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế, tài chính thì tạo được sự chủ động trong việc đổi mới phương thức hoạt động cũng như tăng cường tính chủ động của thủ trưởng đơn vị trong quản lý nhân sự, tài chính.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng ở những huyện miền núi vẫn cần duy trì hoạt động của PCC để đáp ứng nhu cầu của người dân (như PCC số 2 của Sở Tư pháp Thanh Hóa đặt tại huyện Ngọc Lặc) khi mà ở những địa bàn này sẽ rất ít VPCC được thành lập.

Từ đó, ông Sơn đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng lộ trình đưa các PCC thuộc Sở Tư pháp có trụ sở đặt tại thành phố, các huyện đồng bằng chuyển đổi hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác. 

Cần lộ trình tự chủ với TTDVĐGTS

Còn với TTDVĐGTS, Luật ĐGTS cũng quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ, chuyển đổi và giải thể đơn vị sự nghiệp công lập này. Theo đó, UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương xem xét, phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ đối với TTDVĐGTS, đề án chuyển đổi TTDVĐGTS thành doanh nghiệp trong trường hợp không cần thiết duy trì, đề án giải thể TTDVĐGTS trong trường hợp không có khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp. 

Thống kê cho thấy, cả nước có 545 tổ chức bán đấu giá, trong đó có 61 TTDVĐGTS tại các tỉnh, TP trực thuộc TƯ (2 TTDVĐGTS đã giải thể). Trong số các TTDVĐGTS, đa phần các Trung tâm tự chủ một phần tài chính, 11 Trung tâm tự chủ 100% về tài chính và 4 Trung tâm được bao cấp toàn bộ kinh phí (đều thuộc tỉnh nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa).

Để tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, các địa phương phải cân nhắc sự cần thiết chuyển đổi TTDVĐGTS; trường hợp chuyển đổi thì chỉ đạo xây dựng đề án chuyển đổi dần Trung tâm sang cơ chế tự chủ về tài chính theo lộ trình phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tại địa phương. Việc chuyển đổi Trung tâm thành doanh nghiệp hoặc giải thể Trung tâm, cần thực hiện theo quy định tại Điều 79 Luật ĐGTS.

Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2016 đến nay, TTDVĐGTS tỉnh Vĩnh Phúc chỉ được UBND tỉnh đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên. Thực tế việc cắt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của Trung tâm.

Qua tham khảo 4 Trung tâm tự chủ 100%, Sở này được biết các Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn và các địa phương đang đề nghị được hỗ trợ một phần kinh phí đối với Trung tâm. Trong bối cảnh các Trung tâm tiếp tục đảm đương nhiệm vụ chính trị trong đấu giá một số loại tài sản khó bán, giá trị thấp…, vị đại diện đề nghị cần có lộ trình khi thực hiện tự chủ đối với TTDVĐGTS tỉnh Vĩnh Phúc.

Đọc thêm