Nơi chứng kiến những dấu ấn quan trọng của Bộ Tư pháp

(PLO) - Di tích lịch sử Trụ sở Bộ Tư pháp trong kháng chiến nằm trên một đồi cao thuộc thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, là nơi chứng kiến những dấu ấn quan trọng của Bộ Tư pháp và cũng là nơi ghi dấu sự đùm bọc, che chở đầy nghĩa tình của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang với những cán bộ Tư pháp đầu tiên.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác Bộ Tư pháp tới dâng hương tại Di tích lịch sử Trụ sở Bộ Tư pháp ngày 24/8/2013.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác Bộ Tư pháp tới dâng hương tại Di tích lịch sử Trụ sở Bộ Tư pháp ngày 24/8/2013.
Ghi dấu sự đùm bọc, che chở đầy nghĩa tình của Nhân dân
Cuối năm 1946, thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp cùng với nhiều cơ quan khác của Trung ương  Đảng và Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc, cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Tuyên Quang là địa phương được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm cách mạng của cả nước, là “Thủ đô kháng chiến” của dân tộc Việt Nam. 
Chặng đường di chuyển từ Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc, Bộ Tư pháp đã đi qua nhiều địa phương như: Sơn Tây, Phú Thọ, đến TX.Tuyên Quang. Tháng 4/1947, Bộ Tư pháp di chuyển vào khu Tân Trào và ở đây trong một thời gian ngắn. Đến đầu năm 1948, Bộ chia làm hai: một bộ phận do Bộ trưởng Vũ Đình Hòe phụ trách (Cơ quan A), đến ở và làm việc tại chân núi Sáng trong thung lũng Vai Dâu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên; một bộ phận do ông Trần Công Tường phụ trách (Cơ quan B) đến ở và làm việc tại Bình Di, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. 
Ngày 6/10/1949, Hội đồng Chính phủ họp và ra Nghị quyết về vấn đề củng cố văn phòng của các Bộ. Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, hai cơ quan của Bộ hợp thành một và chuyển đến thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tuy chỉ đóng trụ sở tại thôn Mới trong một thời gian không dài nhưng đây là nơi diễn ra những sự kiện chính trị pháp lý quan trọng của ngành Tư pháp trong những năm kháng chiến, là nơi mà các thế hệ cán bộ ngành Tư pháp vinh dự, tự hào vì đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc xây dựng nền Tư pháp của một nước độc lập, dân chủ. 
Khi đến thôn Mới, Cơ quan Bộ có khoảng 30 người, Bộ trưởng là ông Vũ Đình Hòe (bí danh là Khiêm), Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn là ông Trần Công Tường (Bí danh là Tâm). Tại địa điểm này, Cơ quan Bộ Tư pháp đã ở, làm việc từ cuối năm 1949 đến tháng 9/1950. Do diễn biến của cuộc kháng chiến, theo yêu cầu của Chính phủ, tháng 9/1950 Cơ quan Bộ Tư pháp đã rời thôn Mới, xã Minh Thanh ngược dòng sông Lô lên Chiêm Hóa cùng cả nước tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng, phát triển nền Tư pháp non trẻ của nước nhà. 
“Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người”
Di tích lịch sử Bộ Tư pháp tại thôn Mới là nơi chứng kiến những dấu ấn quan trọng của Bộ Tư pháp. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đùm bọc, che chở của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang, từ chính nơi này, với chức năng quản lý và thực hiện công tác tư pháp, bao gồm cả hệ thống tòa án và công tố, Bộ Tư pháp đã đề xuất và trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các Sắc lệnh về cải cách bộ máy tư pháp và pháp luật tố tụng theo hướng dân chủ hóa, làm cho tư pháp thật gần dân, hiểu dân, giúp dân. 
Đặc biệt, cũng tại địa danh này, năm 1950 Hội nghị học tập của cán bộ tư pháp đã vinh dự được đón Bác Hồ tới dự. Tại Hội nghị này, Bác đã chỉ ra những vấn đề định hướng có ý nghĩa cốt yếu, nền tảng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp, đó là: “Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ. Phải cố gắng làm cho pháp luật dân chủ ngày càng tốt hơn, nhiều hơn. Cán bộ tư pháp phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. 
Đã nhiều năm trôi qua, cảnh quan thiên nhiên ở nơi đây đã có nhiều đổi khác, những dấu tích của một thời gian khổ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc cũng không còn hiện hữu, nhưng địa danh này đã và mãi là cội nguồn, là biểu tượng của ý chí vượt khó vươn lên, là sự cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần cống hiến vì đất nước của lớp lớp cán bộ, nhân viên ngành Tư pháp qua các thời kỳ. 
Chính nơi đây:
Trong sự đùm bọc, che chở đầy nghĩa tình của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, những cán bộ tư pháp đầu tiên đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lãnh đạo công tác tư pháp trong toàn quốc, giúp Đảng, Chính phủ ban hành nhiều  chính sách, pháp luật và duy trì công tác công tố, xử án, góp phần xứng đáng vào việc giữ vững chính quyền nhân dân, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi; 
Đã diễn ra các Hội nghị Tư pháp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dự hoặc gửi thư chỉ đạo với những tư tưởng lớn như: Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền; Tư pháp là vấn đề ở đời và làm người; cán bộ tư pháp phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; 
Đã bắt đầu cuộc cải cách tư pháp nhằm dân chủ hóa tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp; khởi nguồn một nền Tư pháp mới mang tính nhân văn, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. 
Cán bộ tư pháp Việt Nam tri ân, ghi sâu công lao của các thế hệ đi trước, phát huy truyền thống của Ngành, trung thành, sáng tạo, tận tụy, đoàn kết phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 
(Trích  “Văn bia Di tích lịch sử Trụ sở Bộ Tư pháp trong kháng chiến”) 

Đọc thêm