Oan sai trong áp dụng hình phạt tử hình: Sẽ khó khắc phục sai lầm

(PLO) -Không có một nền tư pháp nào trên thế giới có thể bảo đảm chính xác tuyệt đối, không có oan sai. Oan sai trong việc áp dụng hình phạt tù và các hình phạt không tước tự do thì có thể khắc phục được. Còn oan sai trong việc áp dụng hình phạt tử hình, nhất là trường hợp đã thi hành, thì không còn khả năng khắc phục sai lầm. 
Do vậy, trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này, Bộ Tư pháp – Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật tiếp tục đưa ra phương án đề xuất hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. 
Đã giảm đáng kể qua các lần sửa luật
Hình phạt tử hình được quy định tại 29/195 tội danh của BLHS năm 1985, chiếm tỷ lệ (14,85%). Tuy nhiên, qua 04 lần sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1985 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997) thì số lượng các tội danh có quy định hình phạt tử hình tăng từ 29 tội danh lên 44 tội danh, chiếm khoảng 20,64% (44/218 tội danh). 
Đến BLHS năm 1999, hình phạt tử hình được quy định tại 29/263 tội danh, trong đó nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia có số lượng tội danh quy định hình phạt tử hình cao nhất (07 tội danh); các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và các tội xâm phạm sở hữu, mỗi nhóm có 02 tội. Còn lại 07 nhóm tội khác thì hình phạt tử hình phân bố đều cho các nhóm, mỗi nhóm có 03 tội danh có quy định hình phạt tử hình. 
Như vậy, so với BLHS năm 1985 (qua 04 lần sửa đổi, bổ sung) thì số lượng các tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS năm 1999 đã giảm xuống đáng kể, chỉ còn 29 tội danh, ngang với số lượng tội danh có quy định của BLHS năm 1985. 
Ba phương án cho hình phạt tử hình
Bộ Tư pháp cho biết, việc nghiên cứu đề xuất hoàn thiện quy định của BLHS về hình phạt tử hình theo hướng tiếp tục hạn chế việc quy định hình phạt tử hình trong BLHS cũng như hạn chế khả năng áp dụng và thi hành hình phạt tử hình trên thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.
Đồng thời tăng cường bảo vệ quyền con người và quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Hạn chế hình phạt tử hình tạo điều kiện cho phạm nhân chuộc lỗi, sống có ích hơn
Hạn chế hình phạt tử hình tạo điều kiện cho phạm nhân chuộc lỗi, sống có ích hơn
Tại Dự thảo Luật, Bộ Tư pháp đưa ra 3 phương án cho quy định về hình phạt tử hình. Phương án 1: Giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể là, giữ nguyên số tội danh quy định hình phạt tử hình của BLHS là 29/272 tội danh và giữ nguyên các điều kiện áp dụng quy định tại Điều 35 của BLHS. 
Phương án 2: Nghiên cứu đề xuất giảm hình phạt tử hình và hạn chế khả năng áp dụng hình phạt này theo hướng đề xuất loại bỏ hình phạt tử hình đối với 10 tội trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình và sửa đổi, bổ sung Điều 35 của BLHS. 
Theo đề xuất này thì hình phạt tử hình sẽ được loại bỏ ở những điều sau: Tội cướp tài sản (Điều 133); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); tội tham ô tài sản (Điều 278); tội nhận hối lộ (Điều 279); tội chống mệnh lệnh (Điều 316); tội đầu hàng địch (Điều 322); tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341); tội chống loài người (Điều 342); tội phạm chiến tranh (Điều 343).
Đồng thời, Điều 35 của BLHS được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình theo hướng hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt này cả về loại tội, loại vụ việc và đối tượng; mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình và quy định về hoãn thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân. 
Phương án 3: Nghiên cứu đề xuất giảm hình phạt tử hình và hạn chế khả năng áp dụng hình phạt này theo hướng đề xuất loại bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình. Sửa đổi, bổ sung Điều 35 của BLHS và điều chỉnh về mặt kỹ thuật lập pháp trong việc quy định hình phạt tử hình đối với từng tội danh cụ thể nhằm hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. 
Theo phương án này, về cơ bản tương tự như đề xuất của Phương án 1B. Tuy nhiên, số lượng các tội danh đề xuất loại bỏ hình phạt tử hình giảm chỉ có 08 tội, trong đó không đề xuất loại bỏ tử hình đối với hai tội: tham ô tài sản và nhận hối lộ; đồng thời bổ sung thêm phương án điều chỉnh về mặt kỹ thuật lập pháp trong việc quy định hình phạt tử hình đối với từng tội danh cụ thể nhằm hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. 
Qua phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, Bộ Tư pháp đánh giá phương án 3 là đảm bảo tính khả thi và phù hợp với chủ trương, tinh thần của cải cách tư pháp, quan điểm về bảo vệ quyền con người của Nhà nước ta và xu hướng chung của thế giới. Do đó, theo Bộ Tư pháp, Phương án 3 có khả năng là  phương án tối ưu để lựa chọn./.

Đọc thêm