Ông bà nội hay ông bà ngoại được quyền nuôi cháu mồ côi?

(PLO) - Trong lá thư gửi các chuyên gia của Báo PLVN Chủ nhật, bà Đỗ Thị Mến (65 tuổi, quê Bắc Giang) tâm sự: “Trước kia, ông bà thông gia vì không tác thành cho bố mẹ cháu nó lấy nhau nên kể cả khi cháu nó ra đời, cũng chỉ có chúng tôi là ông bà nội chăm sóc, nuôi dưỡng cháu. Từ khi được 6 tháng, cháu nó đã ở hẳn với tôi để bố mẹ ra Hà Nội làm ăn. Đâu ngờ, một ngày bố cháu ghen tuông sát hại mẹ cháu rồi bị bắt vào tù, cháu thành bơ vơ côi cút. Sau đám tang của mẹ cháu, ông bà thông gia xin đón cháu về nuôi, rồi từ đó giành lấy nuôi, cấm không cho tôi gặp cháu nữa dù tôi là người nuôi cháu từ lúc còn ẵm ngửa đến nay. Tôi xin hỏi trong trường hợp này, ai mới là người được quyền nuôi cháu?”. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong câu chuyện trên, cháu bé 3 tuổi mồ côi mẹ, bố bị bắt đi tù nên thuộc diện bắt buộc phải có người giám hộ để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên theo Điều 58 Bộ luật Dân sự hiện hành. Theo khoản 2 Điều 61 Luật này thì ông bà nội và ông bà ngoại cháu bé có thể được làm giám hộ đương nhiên của cháu bé.

Theo Điều 60 Bộ luật Dân sự, cá nhân phải thỏa mãn các điều kiện sau mới được cử là người giám hộ: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có tư cách đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ”.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu bà Mến và ông bà ngoại cháu bé đều có đủ điều kiện làm người giám hộ thì hai bên sẽ phải thỏa thuận cử một bên làm người giám hộ cho cháu bé. Trường hợp không thỏa thuận được, có thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự, Tòa án sẽ căn cứ thực tế vụ việc, điều kiện làm giám hộ của các bên, mối quan hệ tình cảm với cháu bé, khả năng bảo đảm việc phát triển tốt nhất về thể chất và tinh thần của cháu bé để quyết định giao cháu cho ai làm người giám hộ. 

Theo như bà trình bày thì cả bà và ông bà thông gia đều có đủ điều kiện để làm người giám hộ cho đứa cháu ruột 3 tuổi, như vậy hai bên phải thương lượng để cử ra người giám hộ, trường hợp không thương lượng được thì có thể kiện ra tòa án. 

Theo quan điểm của chúng tôi, thời điểm hiện tại, bà hãy tạm gác lại chuyện kiện đòi nuôi cháu để không gây thêm những bi kịch, sang chấn tâm lý cho cháu bé trước tấn thảm kịch gia đình. Tình yêu thương dành cho đứa cháu ruột trong câu chuyện thương tâm trên, thiết nghĩ ông bà nào cũng có. Và chuyện cháu bé ở với ai có lẽ không quan trọng bằng việc cháu được đảm bảo quyền lợi mọi mặt, dù thiếu vắng cha mẹ nhưng vẫn được bù đắp bởi tình yêu thương, sự quan tâm của cả ông bà nội, ngoại đôi bên. Xin chân thành chia sẻ với bà và mong rằng bà hãy vì cháu mà rộng lòng hơn, hai bên sớm tìm được tiếng nói chung trong việc nuôi dạy cháu. 

Đọc thêm