Phải trả lời câu hỏi 'làm sao để ngành Tư pháp mạnh lên từ 2017?'

(PLO) - Hôm qua (23/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu. Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành Tư pháp phải trả lời được câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra là làm sao để ngành Tư pháp mạnh lên bắt đầu từ năm 2017.
Bộ trưởng Lê Thành Long:”Cần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng và nhiệm vụ trọng tâm của năm”.
Bộ trưởng Lê Thành Long:”Cần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng và nhiệm vụ trọng tâm của năm”.

Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương. Về phía Bộ Tư pháp, có nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, các Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Trần Tiến Dũng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Chú trọng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Báo cáo công tác năm 2016 cho biết, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Một số mặt công tác đạt kết quả cao như công tác chỉ đạo điều hành được đổi mới, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là bám sát chủ trương về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ. Việc phối hợp giữa Bộ, ngành Tư pháp với một số bộ, ngành khác được thực hiện chủ động, hiệu quả hơn. 

Việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; giảm mạnh tình trạng “nợ đọng” văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác hòa giải ở cơ sở tạo được điểm nhấn quan trọng qua việc tổ chức thành công cuộc thi Hòa giải viên giỏi lần thứ III. Thi hành án dân sự đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền. Công tác hành chính tư pháp, nhất là áp dụng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật Hộ tịch, bước đầu đạt hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân. Hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật phục vụ tốt việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng...

Đánh giá kết quả trên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, ngay từ đầu năm, Bộ đã ban hành chương trình hành động của ngành và tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, nghiêm túc, trong đó đã tập trung chỉ đạo 10 nhóm nhiệm vụ lớn với 112 đầu nhiệm vụ. Hầu hết các nhiệm vụ của Bộ và toàn ngành ngày càng đảm bảo về chất lượng, kịp tiến độ, sát với chương trình đã xây dựng và kế hoạch chung. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, công tác tư pháp năm 2016 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chất lượng một số VBQPPL chưa cao, còn có sai sót; số việc và tiền thi hành án có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều; còn lúng túng trong việc giải quyết hộ tịch có yếu tố nước ngoài; công tác pháp chế ở nhiều địa phương còn yếu…

Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng và nhiệm vụ trọng tâm của năm

Tham gia thảo luận, đại biểu các điểm cầu đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng việc thẩm định VBQPPL là các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh; vai trò của công tác pháp chế trong việc đảm bảo môi trường đầu tư, giảm phát sinh kiện tụng, công tác phối hợp giữa các ngành, các lực lượng trong thi hành án dân sự; công tác bồi dưỡng, hướng dẫn, tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính; tình hình, kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Ngoài ra, các đại biểu còn phản ánh một số khó khăn, vướng mắc với mong muốn Bộ, ngành Tư pháp kịp thời tháo gỡ cũng như đề xuất nhiều giải pháp triển khai nhằm đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định, Hội nghị đã thống nhất đánh giá năm 2016 đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ đặt ra đối với công tác tư pháp từ các công việc truyền thống đến những công việc mới được giao, qua đó có những phản ứng chính sách kịp thời, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của đất nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng quan niệm, những kết quả mà Bộ, ngành đã đạt được năm 2016 chỉ là bước khởi đầu trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ và vẫn còn chưa tương xứng với kỳ vọng của Đảng, Chính phủ, Nhân dân. 

Điểm lại một số kết quả nổi bật và lưu ý những hạn chế, tồn tại của công tác tư pháp trong năm 2016, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của năm 2017 bởi đây là năm then chốt của nhiệm kỳ mới và là năm đầu tiên triển khai các Nghị quyết và chủ trương lớn của Quốc hội… Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị, cần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ trọng tâm của năm, trong đó có việc xóa bỏ rào cản về thể chế, từng bước khắc phục những lạc hậu về thể chế để thể chế trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

Không những thế, phải tăng cường theo dõi thi hành pháp luật, xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh ngày càng đa dạng, phức tạp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, trước hết là thủ tục hành chính trong lĩnh vực của Bộ, ngành để giảm chi phí thực thi pháp luật, giảm chi phí xã hội nói chung. Hơn nữa, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành Tư pháp phải trả lời được câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra là làm sao để ngành Tư pháp mạnh lên bắt đầu từ năm 2017 cũng như chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ ngành Tư pháp.

Đọc thêm