Phải trưng cầu ý dân về những điều ước quốc tế quan trọng

(PLO) - Chiều 17/6, Phó Chủ tịch Hội đồng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã chủ trì cuộc họp Nhóm 1 Hội đồng Tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai Hiến pháp để cho ý kiến về Dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính.
Phải trưng cầu ý dân về những điều ước quốc tế quan trọng
Đơn giản hóa thủ tục cho loại điều ước quốc tế về khoản vay cụ thể
Thay mặt cơ quan soạn thảo Dự án sửa đổi Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế (ĐƯQT), Vụ trưởng Vụ Pháp luật và ĐƯQT (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Minh Vũ thông tin: Sau gần 10 năm thi hành Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005, Việt Nam đã ký, gia nhập tổng cộng khoảng 2.000 ĐƯQT với nhiều đối tác và lĩnh vực hợp tác khác nhau, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước như thiết lập và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác mọi mặt, thu hút nguồn vốn ODA không hoàn lại, ODA vay ưu đãi của các nước, các tổ chức quốc tế… 
Tuy nhiên, Luật hiện hành bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, nhất là khi Hiến pháp 2013 sửa đổi một số quy định liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc ký kết, gia nhập ĐƯQT.
Đặc biệt hiện nay, các ĐƯQT về ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các ĐƯQT của Việt Nam. Đây là một nhóm ĐƯQT đặc thù, thường theo mẫu chung đối với mỗi nhà tài trợ nhất định, phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội cụ thể. Nhưng quy trình ký kết ĐƯQT theo quy định chung tại Luật về ĐƯQT hiện hành chưa đồng bộ với quy trình phê duyệt các dự án ODA và các dự án vay khác. 
Để tạo điều kiện cho việc ký kết ĐƯQT nhân danh Chính phủ đối với khoản vay cụ thể, Luật đưa ra một số quy định theo hướng đơn giản hóa về thủ tục cho việc ký kết các ĐƯQT này, góp phần đồng bộ hóa với quy trình phê duyệt khoản vay của cơ quan có thẩm quyền.
Các thành viên Nhóm 1 đặt nhiều câu hỏi về các nội dung như khái niệm ĐƯQT về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp khi đề xuất đàm phán ĐƯQT; các quy định của ĐƯQT được áp dụng trực tiếp hay phải nội luật hóa; cách xử lý những ĐƯQT trái luật, pháp lệnh… 
Theo chuyên gia Nguyễn Quốc Việt, mặc dù có một số quy định về trách nhiệm lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ về việc đề xuất đàm phán, đề xuất ký ĐƯQT song Dự thảo Luật chưa đề cập đến vấn đề trưng cầu ý dân trong bối cảnh tới đây Quốc hội sẽ thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Ông Việt kiến nghị phải quy định trưng cầu ý dân về những ĐƯQT quan trọng, nhất là những ĐƯQT liên quan đến hòa bình hay chiến tranh.
Thiết lập trật tự ban hành quyết định hành chính
Trình bày Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính (QĐHC), Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Hạnh cho biết, việc xây dựng Luật nhằm thiết lập trật tự ban hành QĐHC, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời không gây khó khăn hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước; bảo đảm tính linh hoạt, liên tục và hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. 
Trong quá trình thảo luận, góp ý, Dự thảo Luật nhận được các loại ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề về chủ thể ban hành QĐHC, về ủy quyền ban hành QĐHC, về kiểm tra tính pháp lý của dự thảo QĐHC, về thu hồi, hủy bỏ, bãi bỏ QĐHC.
Có ý kiến đồng tình cho rằng cần có sự kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý của việc ban hành QĐHC của các cơ quan chuyên môn (tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp) đối với QĐHC có liên quan đến lợi ích cộng đồng do tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của loại quyết định này. 
Việc kiểm tra bởi một cơ quan chuyên môn như vậy nhằm kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tối đa các ảnh hưởng bất lợi từ các quyết định này đến cộng đồng, làm tăng tính chuyên nghiệp của nền hành chính và bảo đảm mục đích của nền hành chính là vì lợi ích chung. 
Thực tế vừa qua, do việc kiểm soát QĐHC không được chặt chẽ nên dẫn đến một số QĐHC liên quan đến lợi ích cộng đồng phải thu hồi, bãi bỏ, gây tác động xấu đến xã hội và giảm lòng tin của người dân đối với việc ban hành QĐHC.
Tuy cũng tán thành có quy định về kiểm tra tính pháp lý của việc ban hành QĐHC nhưng theo Hàm Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Phước Thọ, nếu kiểm tra tất cả các QĐHC thì không ổn, phải xác định được loại nào quan trọng để kiểm tra và hơn nữa phải quy định rõ cơ chế kiểm tra. 
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Trần Hữu Huỳnh cho rằng, không nhất thiết có cơ quan độc lập để kiểm tra tính hợp pháp của QĐHC, chỉ cần quy định trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan liên quan trong quy trình ban hành QĐHC.

Đọc thêm