Phát huy vai trò của tổ hòa giải cơ sở tại tỉnh Lai Châu

(PLVN) - Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp và giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Phát huy vai trò của tổ hòa giải cơ sở tại tỉnh Lai Châu

Trong năm 2020, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 1412 vụ việc, chủ yếu liên quan tới đất đai, giải phóng mặt bằng, quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình và một số tranh chấp dân sự khác. Trong đó, đã hòa giải thành công 1183 vụ, đạt 83,78%, góp phần làm giảm các vi phạm pháp luật và hạn chế được tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp.

Số vụ hoà giải thành ngày càng tăng đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp; giữ gìn tình đoàn kết thôn xóm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Các thành viên tham gia tổ hòa giải gồm có tổ trưởng hoặc tổ phó, Mặt trận thôn và thành viên tổ chứ đoàn nên thường gần dân và thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải

Vì vậy, các thành viên tổ hòa giải vừa làm công tác hòa giải, vừa tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau khi nắm tình hình các vụ việc, các hòa giải viên đã thực hiện nhiều hình thức hòa giải: Đối thoại trực tiếp; thông qua các buổi sinh hoạt của các đoàn thể; tổ chức các buổi nói chuyện về nội dung pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật mới... Qua đó, đã hòa giải thành công nhiều vụ việc phát sinh tại cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở bộc lộ không ít tồn tại, bất cập. Các trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp,  trong khi đó trình độ, kỹ năng hòa giải của một số hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật, chủ yếu hòa giải theo kinh nghiệm. Việc nắm bắt, tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan đến vụ việc hòa giải còn nhiều hạn chế, phần lớn không biết các kỹ năng công nghệ thông tin để tra cứu các tài liệu nghiên cứu áp dụng vào các vụ việc hòa giải. 

Ngoài ra, các thành viên tổ hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc, thường có thay đổi, vì vậy việc kiện toàn tổ hòa giải ở một số nơi chưa thực hiện được thường xuyên. Kinh phí hoạt độn hòa giải hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách địa phương. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải cơ sở dược sử dụng cho rất nhiều hoạt độnng như: đào tạo, tập huấn, đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu kiến thức,...và trả thù lao cho hòa giải viên.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc. Kinh phí hoạt động hòa giải hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ngân sách của địa phương và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở được sử dụng cho rất nhiều hoạt động (đào tạo, tập huấn, đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu kiến thức, các cuộc thi cho hòa giải viên,...) và trả thù lao cho hòa giải viên.

Vì vậy, để công tác hòa giải cơ sở đạt kết quả tốt, cần có sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, chú trọng giới thiệu những người có đủ trình độ, năng lực, uy tín vào các tổ hòa giải ở cơ sở.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm, tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải; đội ngũ cán bộ Tư pháp ở địa phương cần phát huy vai trò chủ động tham mưu trong quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở.

Đọc thêm