Phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư

(PLO) - Hiện nay, nghề luật sư (LS) đang dần khẳng định được uy tín và vị thế quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nhà nước chuyển giao một số nhiệm vụ quản lý nhà nước sang cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp LS thì các tổ chức này cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tự quản của mình.
Luật sư tranh tụng tại tòa.
Luật sư tranh tụng tại tòa.

Với vai trò là “ngôi nhà chung” của giới LS, thời gian qua, Liên đoàn LS Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển đội ngũ LS cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời còn góp phần bảo vệ, hỗ trợ quyền hành nghề và các quyền lợi hợp pháp khác của LS, giám sát đạo đức nghề nghiệp và nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức LS và LS trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ của đất nước.

Tuy nhiên, để thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với LS, giữa LS với công dân và xã hội, tạo điều kiện cho LS đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền,  Liên đoàn LS Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS ở Trung ương trong việc tập hợp, đoàn kết giới LS trong cả nước.

Muốn vậy, cần có các quy định làm rõ hơn nữa trách nhiệm của Liên đoàn LS trong việc báo cáo thực hiện các nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho trong công tác tự quản như: báo cáo về tình hình tổ chức thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của LS thành viên, báo cáo thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của LS và báo cáo về việc tổ chức kiểm tra tập sự hành nghề LS… 

Ngoài ra, theo Điều 65 của Luật LS, Liên đoàn LS phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị và báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đề án tổ chức Đại hội, phương án nhân sự bầu các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn LS Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ cơ chế phối hợp này được thể hiện trong suốt quá trình xây dựng đề án tổ chức Đại hội và các văn kiện Đại hội đều phải có ý kiến của Bộ Tư pháp; chỉ trình cấp có thẩm quyền khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp. Cùng với đó, cũng cần quy định rõ về thủ tục bãi nhiệm, miễn nhiệm Ban Thường vụ, Hội đồng LS toàn quốc và các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn LS Việt Nam để tăng cường tính kỷ cương và trách nhiệm.

Đối với các Đoàn LS địa phương, chất lượng tự quản cũng từng bước được nâng lên, đã bước đầu thực hiện khá hiệu quả nguyên tắc kết hợp giữa tự quản với quản lý nhà nước đối với hoạt động LS. Qua đó đã góp phần tích cực từng bước nâng cao dân trí pháp lý, ý thức pháp luật, mở rộng dân chủ; góp phần đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Song ở một số địa phương, quy mô các tổ chức hành nghề còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp, khả năng cạnh tranh thấp, vẫn còn hiện tượng một số Đoàn LS quá đề cao vai trò tự quản mà không tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, quy định pháp luật hiện nay chưa rõ, chưa cụ thể công cụ để Nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh trong tổ chức, hoạt động của Đoàn LS khiến việc củng cố, kiện toàn các tổ chức này chưa được thực hiện theo các quy trình thống nhất và đồng bộ.

Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, cần thiết bổ sung quy định về thủ tục thành lập Đoàn LS để xử lý vấn đề thực tiễn có thể xảy ra như trường hợp chia tách tỉnh; bổ sung quy định về thủ tục bãi nhiệm, miễn nhiệm Ban chủ nhiệm Đoàn LS, Chủ nhiệm và các chức danh lãnh đạo của Đoàn LS. Đặc biệt, cần nêu rõ trách nhiệm của các Đoàn LS trong việc báo cáo Sở Tư pháp, UBND cấp tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ mà Nhà nước giao trong công tác tự quản đồng thời tăng cường quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật, Điều lệ Đoàn, đạo đức nghề nghiệp của LS và không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ pháp lý.

Đọc thêm