Phát triển năng động các mô hình Tủ sách pháp luật

(PLO) - Thực tiễn cho thấy các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình Tủ sách/ngăn sách pháp luật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn. Điều này không chỉ thể hiện sự năng động của địa phương trong việc phát triển Tủ sách pháp luật (TSPL) mà còn thiết thực đưa Quyêt đi ́ nh sô ̣ 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng ́ Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL đi vào cuộc sống.
Phát triển năng động các mô hình Tủ sách pháp luật

Phong phú và đa dạng 

Mô hình Tủ sách/ngăn sách pháp luật được 45 địa phương phát triển dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau như: “Quán cà phê pháp luật” tại Cần Thơ (có 118 điểm), An Giang, Quảng Nam, TP HCM, Phú Yên; mô hình Túi sách pháp luật/ngăn sách pháp luật tại các ấp, khóm, thôn, bản, tổ dân phố, khu phố, khu dân cư, chi, hội ở nhiều địa phương phát triển mạnh (như TP Hà Nội có 1.419 túi/ngăn sách; Vĩnh Long: 1214; Bắc Kạn: hơn 1000; Thanh Hóa: 825; Nghệ An: 410; Bến Tre: 385; Cà Mau: 376; Bình Phước: 315; tại xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện (Hải Dương) 100% số thôn có TSPL, UBND xã có thư viện riêng để nhân dân đến đọc sách…). 

Nhiều tủ sách/giỏ sách/ngăn sách/túi sách/kệ sách/cặp sách pháp luật đặt tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, làng, trường học, các điểm chùa/cơ sở tôn giáo, đồn biên phòng, khu nhà trọ của công nhân lao động, tiệm cắt tóc, quán nước... để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ở cơ sở. Nổi bật là Bình Dương có 1.503 giỏ sách pháp luật tại khu nhà trọ, nơi đông dân cư và giao cho chủ nhà trọ phối hợp bảo quản; ở Thanh Hóa có 220, Lạng Sơn có 137, Cà Mau có 67 tủ sách ở các điểm bưu điện văn hóa xã... 

Một số địa phương còn sáng tạo, xây dựng “Tủ sách dòng họ” (Thái Bình, Bà Rịa — Vũng Tàu…); Túi sách pháp luật cho Tổ hòa giải ở cơ sở (Phú Yên, Thanh Hóa…). Tại Nghệ An còn có mô hình TSPL gia đình do 2 cá nhân đầu tư xây dựng với hơn 2.000 đầu sách pháp luật. Đặc biệt, ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), người dân còn lập ra thư viện Đặng Huỳnh, trong đó có nhiều sách pháp luật để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân địa phương... 

Ngoài hệ thống TSPL được xây dựng, quản lý theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg, trên địa bàn cấp xã còn tồn tại nhiều loại hình Tủ sách khác như Tủ sách của cấp ủy Đảng theo Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật quản lý); bộ phận sách, báo tại điểm Bưu điện — Văn hóa xã (ngành Thông tin và Truyền thông quản lý); sách, tài liệu của Thư viện cấp xã (ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý); sách, báo tại Trung tâm học tập cộng đồng (ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý); các Tủ sách mang tính tự quản cộng đồng (Tủ sách thôn, làng, ấp, đình, chùa, tổ hòa giải, khu nhà trọ công nhân...).

Đối với TSPL tại cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, nhà trường và cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân (gọi chung là TSPL ở cơ quan, đơn vị), năm 2009, cả nước xây dựng được 24.075 TSPL. Đến nay, theo số liệu Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, cả nước có 60.308 TSPL ở cơ quan, đơn vị. Sự phát triển của TSPL ở cơ quan, đơn vị cho thấy sự cần thiết của mô hình này, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, hiệu quả công tác, lao động, học tập của đối tượng sử dụng, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, chỉ đạo, điều hành theo pháp luật. 

Vẫn là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả 

Qua khảo sát của Bộ Tư pháp cho thấy, địa điểm, vị trí của TSPL đảm bảo đúng quy định tại Quyết định số 06/2010/QĐ- TTg và tương đối phù hợp, thuận tiện với địa bàn. TSPL cấp xã phần lớn được đặt tại Phòng tiếp dân, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, phòng thủ tục hành chính “một cửa”; Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị chủ yếu đặt tại văn phòng, phòng hành chính, phòng họp, thư viện, phòng pháp chế, phòng nghiệp vụ... của cơ quan, đơn vị. Có nơi đặt tại tiền sảnh cơ quan (Đắk Nông) hoặc nhà ăn của doanh nghiệp (Bến Tre) để thuận tiện cho người đọc.

Nhằm làm phong phú nguồn sách, tăng hiệu quả hoạt động Tủ sách, phục vụ tốt hơn người đọc, các địa phương đã chỉ đạo triển khai luân chuyển sách, tài liệu giữa TSPL cấp xã với điểm Bưu điện — Văn hóa xã, Thư viện cấp xã, Trung tâm học tập cộng đồng, Tủ sách đồn biên phòng…

Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn, Kế hoạch, Quy chế luân chuyển sách pháp luật giữa TSPL cấp xã với điểm Bưu điện - Văn hóa xã và giữa TSPL cấp xã với Trung tâm học tập cộng đồng. Thư viện tỉnh Bình Dương đã luân chuyển sách tới 14 cơ quan, ban, ngành ngoài Thư viện. Long An có sáng kiến mở rộng luân chuyển đến Thư viện cấp huyện. Nhiều địa phương thực hiện luân chuyển sách từ TSPL đến Thư viện hoặc điểm Bưu điện — Văn hóa xã và ngược lại định kỳ hàng quý, 6 tháng, 01 năm.

Đây đều là những cách thức xây dựng, quản lý, khai thác mô hình TSPL xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện của từng địa bàn và thuận lợi, dễ dàng trong việc tiếp cận nên được người dân quan tâm, hưởng ứng với mức độ cao. Điều đó thể hiện sự năng động, nhạy bén của chính quyền địa phương và chứng minh thực tế TSPL nếu được xây dựng, khai thác với mô hình phù hợp thì vẫn là một hình thức phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Đọc thêm