Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Không cho ủy quyền là làm khó dân

(PLO) - Đã khác Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) số 1 ở nội dung ghi nhận tình trạng án tích, Phiếu LLTP số 2 còn bắt buộc người yêu cầu cấp phiếu phải trực tiếp làm thủ tục, chứ không được ủy quyền cho người khác. Điều này đã gây khó khăn cho việc đi lại và tốn kém tiền bạc của người dân, nhất là đối với những người đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Hơn 8 năm trước, lúc làm thủ tục xin thị thực (visa) nhập cảnh vào Hoa Kỳ, anh Lưu Điền Tuân (35 tuổi, trú tại Hà Nội) đã phải nộp Phiếu LLTP cho cơ quan phía nước ngoài để “chứng minh” nhân thân trong sạch. 
Tuy nhiên, đang sinh sống và làm việc yên ổn thì anh Tuấn được thông báo phải nộp bổ sung Phiếu LLTP số 2 mà anh có quyền được cấp theo quy định của Luật LLTP năm 2009. Đôn đáo chạy đi hỏi, anh Tuân mới vỡ lẽ hóa ra Luật LLTP năm 2009 lại phân Phiếu LLTP thành hai loại số 1 và số 2 với điểm khác biệt căn bản là nội dung ghi nhận tình trạng án tích.
Phải trực tiếp làm
Chưa bố trí được thời gian, anh đành gọi điện về Việt Nam “cầu cứu”, nhờ cha ra Sở Tư pháp làm thủ tục cấp Phiếu rồi gửi sang cho mình. Cứ tưởng đơn giản như khi yêu cầu cấp Phiếu số 1 đã vài lần từng làm, cha anh Tuân chuẩn bị hồ sơ gồm Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP và kèm theo các giấy tờ gồm bản sao Hộ chiếu, bản sao Sổ hộ khẩu của anh Tuân. 
Tuy nhiên, bộ giấy tờ mà cha  anh Tuân chuẩn bị đầy đủ đã không được cán bộ Sở Tư pháp chấp nhận. Khi bố anh Tuân thắc mắc thì vị cán bộ này giải thích là theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật LLTP năm 2009, anh Tuân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 mà Phiếu số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu. 
Thất vọng, cha anh Tuân đành quay về, yêu cầu anh Tuân buộc phải thu xếp công việc, xin nghỉ phép ít ngày bay về Việt Nam để “làm cho xong cái thủ tục”. “Mỗi lần về nước tốn kém không biết bao nhiêu tiền rồi công sức chạy đi, chạy lại. Tôi cũng không dám xin nghỉ nhiều, trong khi phải đợi ít nhất 10 ngày mới được cấp Phiếu. Giá mà Luật cho phép ủy quyền cho người thân làm thủ tục cấp Phiếu thì tốt quá” – anh Tuân chia sẻ. 
Đơn giản cho dân, lại… phạm luật
Vướng mắc và đòi hỏi của anh Tuân cũng là vướng mắc và đòi hỏi của rất nhiều người Việt Nam định cư tại nước ngoài, học sinh, sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài. Để tháo gỡ khó khăn của người dân, Sở Tư pháp TP.HCM gần đây đã triển khai mô hình nhận hồ sơ xin cấp và trả kết quả cấp Phiếu LLTP qua đường bưu điện cho những đối tượng này. 
Việc nhận hồ sơ và trả kết quả Phiếu LLTP đối với những người Việt sinh sống tại nước ngoài được áp dụng theo quy trình sau: Khi nộp hồ sơ qua bưu điện nước ngoài, người có nhu cầu cấp Phiếu LLTP phải gửi kèm thông tin (địa chỉ, số điện thoại) của người thân tại Việt Nam để cán bộ hộ tịch liên hệ với người thân của họ đến Sở nộp lệ phí cấp Phiếu LLTP (200 nghìn đồng/lần/người) và ký hợp đồng, trả phí dịch vụ trả kết quả bằng bưu điện cho người thân ở nước ngoài. Khi có kết quả, Sở Tư pháp sẽ trả hồ sơ cho người yêu cầu cấp Phiếu LLTP ở nước ngoài qua đường bưu điện.
Đã có ý kiến cho rằng quy trình này không đúng với quy định hiện hành của Luật LLTP ở chỗ người muốn cấp Phiếu số 2 phải trực tiếp nộp hồ sơ. Tuy nhiên, thiết nghĩ với tinh thần phục vụ nhân dân, tạo điều kiện cho người dân khi yêu cầu cấp Phiếu LLTP tránh được những tốn kém tiền bạc, tiết kiệm thời gian đi lại thì việc làm của Sở Tư pháp TP.HCM thực sự rất đúng với lời Bác dạy - “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”! 
Có điều để giải quyết rốt ráo tình trạng “lạm dụng” yêu cầu người dân nộp bổ sung Phiếu số 2 nhằm “nắm” được những thông tin thuộc về bí mật đời tư thì nhiều ý kiến cho rằng tới đây cần sửa Luật LLTP theo hướng bỏ quyền được cấp Phiếu số 2 của cá nhân mà chỉ nên cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Còn nếu vẫn duy trì, nên chăng điều chỉnh cho phép người yêu cầu được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu số 2.
Lý lịch tư pháp:  Là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Phiếu lý lịch tư pháp: Là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Đọc thêm