Phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường thời 4.0

(PLVN) - Học sinh, sinh viên là những công dân đang trên bước đường trưởng thành, những người lao động, chủ nhân tương lai của đất nước. Đối với các em, hiểu biết pháp luật là một bộ phận của học vấn và ý thức pháp luật là một thành phần quan trọng không thể thiếu được của nhân cách. 
Lãnh đạo các bộ ngành tham quan các em học sinh thi thử sau Lễ phát động Cuộc thi pháp luật học đường
Lãnh đạo các bộ ngành tham quan các em học sinh thi thử sau Lễ phát động Cuộc thi pháp luật học đường

Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường là góp phần đưa pháp luật đến với những công dân trẻ tuổi bằng con đường ngắn nhất, nhanh nhất. Và con đường ấy có thể được tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau, miễn sao những hình thức này mang lại hiệu quả cao, phù hợp với các em hơn cả.

Học sinh hào hứng với thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến 

Một trong những hình thức PBGDPL trong nhà trường hiệu quả nhất, đang được triển khai rộng rãi hiện nay chính là các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là thi bằng hình thức trực tuyến theo kịp thời đại 4.0.

Nắm bắt được nhu cầu của các em, ngay từ năm 2016, 2017, Bộ Tư pháp đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông. Cuộc thi trực tuyến 2 năm này đã thu hút gần 270 nghìn lượt học sinh của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước đăng ký tham gia.

Tiếp nối thành công trên, năm 2019, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật cho học sinh các trường trung học phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước với tên gọi “Pháp luật học đường”. Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019 (ngày 9/11 vừa qua), lễ phát động Cuộc thi được tổ chức tại ngôi trường có bề dày lịch sử hàng đầu Việt Nam - Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. 

Cuộc thi được tổ chức trong phạm vi toàn quốc, có ý nghĩa quan trọng vào việc góp phần trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh các trường trung học phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, qua đó, tăng cường ý thức tự tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật cho các em.

Với hình thức thi trực tuyến, Cuộc thi nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần đổi mới, đa dạng hóa hình thức PBGDPL, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường. 

Thí sinh đăng ký tham gia Cuộc thi và làm bài thi tại địa chỉ website: http://timhieuphapluat.vn hoặc thông qua ứng dụng (app) của Cuộc thi – vốn không còn xa lạ với những công dân thế hệ mới. Nội dung thi cũng rất gần gũi khi gắn liền với kiến thức môn học giáo dục công dân, pháp luật cho học sinh, học viên, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời cập nhật, mở rộng một số nội dung, kiến thức pháp luật phù hợp với tâm lý, lứa tuổi.

Cuộc thi được chia thành 3 vòng (vòng loại, vòng bán kết, vòng chung kết) với cơ cấu giải thưởng khá hấp dẫn. Bên cạnh giải thưởng vòng loại hằng tuần, vòng bán kết, vòng chung kết, các thí sinh đạt cao ở vòng chung kết sẽ được ưu tiên xét tuyển khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội (giải nhất, giải nhì), Đại học Luật TP Hồ Chí Minh (giải nhất, giải nhì, giải ba) theo Đề án tuyển sinh của các Trường. Thí sinh đạt giải nhất có thể được xét cấp học bổng tương tự như thủ khoa đầu vào khi đăng ký dự tuyển và trúng tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

Nhờ vậy, sau 3/6 tuần thi vòng loại, Cuộc thi đã thu hút lượng thí sinh tham dự đông đảo là hơn 112.000 lượt thí sinh tham gia thi. Cả nước có 30 tỉnh, thành phố có số lượng trên 1.000 thí sinh đã thi. Một số địa phương có số lượng thí sinh tham gia thi đông đảo như Ninh Bình, Bình Định, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Nghệ An… (bảng A); Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thừa Thiên - Huế… (bảng B). Nhiều thí sinh đã đạt điểm tuyệt đối 300/300 điểm. 

Cơ hội giao lưu, gặp gỡ qua các câu lạc bộ pháp luật

Hình thức thi trực tuyến có ưu điểm là thu hút được đông đảo lượt thí sinh tham gia nhưng hạn chế của hình thức này ở chỗ mỗi bạn trẻ sẽ chỉ “mặt đối mặt” với chiếc máy tính, không được giao lưu, chia sẻ cùng những thí sinh khác. Do đó, để tạo một sân chơi chung, cơ hội gặp gỡ cho các học sinh, sinh viên thì việc xây dựng, duy trì loại hình câu lạc bộ pháp luật lại rất phù hợp cho nhu cầu này.

Rất nhiều trường học trong cả nước thời gian qua đã quan tâm đến PBGDPL bằng hoạt động của câu lạc bộ pháp luật. Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, các bạn trẻ có được diễn đàn để tham gia học tập, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, giúp các em kịp thời nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như động viên nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Một buổi giao lưu sinh hoạt của hội viên Câu lạc bộ Thực hành pháp luật
Một buổi giao lưu sinh hoạt của hội viên Câu lạc bộ Thực hành pháp luật

Qua nắm bắt, theo dõi của cơ quan quản lý nhà nước về công tác PBGDPL (Bộ Tư pháp) cho thấy, cơ quan tư pháp các cấp đã thường xuyên chỉ đạo cho các câu lạc bộ hoạt động, cung cấp tài liệu cần thiết và trực tiếp tham gia sinh hoạt, triển khai các văn bản pháp luật hiện hành theo yêu cầu.

Bộ Tư pháp cũng cho biết, các câu lạc bộ pháp luật đều có quy chế hoạt động, sinh hoạt một lần vào một ngày cố định của mỗi tháng (hoặc mỗi quý) với các chủ đề sinh hoạt rất phong phú, đa dạng như tọa đàm, hái hoa dân chủ, quán triệt, giới thiệu nội dung các văn bản luật… 

Điển hình có thể kể đến là Câu lạc bộ Thực hành pháp luật (viết tắt là CLB) ra đời cùng với Trung tâm Tư vấn pháp luật của Trường Đại học Vinh. Trải qua 10 năm hoạt động và phát triển, số lượng và chất lượng hoạt động của CLB ngày càng tăng lên, tạo được dấu ấn đặc biệt trong hoạt động đoàn và phong trào sinh viên Đại học Vinh nói riêng và Đoàn Thanh niên tỉnh Nghệ An nói chung.

Các hoạt động của CLB là kết quả từ các chương trình hội thảo, tập huấn với các CLB trong và ngoài nước cùng với thực tiễn hoạt động học tập của sinh viên Khoa Luật. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên, CLB được chia thành các nhóm hoạt động và phân công hoạt động hàng tháng.

CLB hiện hoạt động dựa trên sự điều hành trực tiếp của ban chủ nhiệm sinh viên dưới sự giám sát, hỗ trợ quản lý của Khoa với các mảng hoạt động sau: Tuyên truyền, giảng dạy pháp luật tại các làng trẻ và trường học và các hoạt động tạo môi trường cho sinh viên trải nghiệm nâng cao kỹ năng, đạo đức trách nhiệm nghề nghiệp của mình; Tổ chức hội thảo về các vấn đề học thuật dưới góc nhìn của sinh viên; Mở phiên tòa giả định, phiên tòa lưu động giả định; Tổ chức và đồng hành tổ chức các chương trình như Rung chiêng vàng, Olympic luật; Hội thi sinh viên với nghề luật…

Theo Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên: Trong thời gian tới, cần lấy giáo dục pháp luật trong nhà trường làm nội dung trọng tâm của công tác PBGDPL nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức công dân cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh thực hiện có chất lượng các hình thức giáo dục chính khóa, cần chú trọng tăng cường, đổi mới các hoạt động giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp mà các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật như Cuộc thi “Pháp luật học đường”, sinh hoạt CLB pháp luật, phổ biến pháp luật qua sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai hằng tuần… đã phát huy hiệu quả trong PBGDPL cho học sinh, sinh viên.

Do vậy, để công tác PBGDPL cho học sinh, sinh viên hiệu quả, thực chất, cần chú ý đối tượng, địa bàn, lứa tuổi, tâm lý của các em để lựa chọn hình thức, nội dung PBGDPL phù hợp. Ngoài ra, cần khuyến khích, tạo cho các em thói quen tìm hiểu, học tập, chấp hành pháp luật và trở thành công việc tự thân của mình.

Để công tác PBGDPL trong nhà trường đạt nhiều kết quả tích cực hơn nữa, cần tổ chức thực hiện tốt phạm vi trách nhiệm của nhà trường theo Điều 23, 24, 28, 30 và Điều 31 Luật PBGDPL và các Chương trình, Kế hoạch, Đề án khác về PBGDPL.

Căn cứ vào nội dung, hình thức giáo dục pháp luật ở từng cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tổ chức thực hiện giáo dục pháp luật, bố trí giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật theo quy định của pháp luật; phối hợp với gia đình và xã hội thực hiện mục tiêu giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục pháp luật trong các cấp học và trình độ đào tạo; quy định thời gian, lộ trình hoàn thành việc chuẩn hóa giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật.

Đồng thời, tổ chức tốt việc dạy và học pháp luật trong nhà trường; tích cực, chủ động tham gia, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên tham gia làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tiếp tục bổ sung các văn bản pháp quy vào tủ sách pháp luật điện tử của nhà trường để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học…

Đọc thêm