Phối hợp chặt chẽ để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu

(PLVN) - Công tác xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã có những bước chuyển biến đáng kể, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch. Một trong những yếu tố góp phần vào kết quả đó là nhờ công tác phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương của 2 ngành Tư pháp và Ngân hàng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Ngày 18/3/2015, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước ký kết Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP về phối hợp trong công tác THADS. Sau một thời gian triển khai thực hiện, với sự nỗ lực, tích cực chỉ đạo của 2 ngành Trung ương, Quy chế đã được triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương. 

Việc ban hành và triển khai Quy chế số 01 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong phối hợp giữa các cơ quan THADS và các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi tổ chức việc thi hành án. Thông qua việc thực hiện, triển khai Quy chế đã nâng cao nhận thức của các cơ quan THADS địa phương, các Chấp hành viên, đó là việc thi hành án các vụ việc có liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng là nhiệm vụ chính trị do Đảng và Chính phủ giao; việc giải quyết và thu hồi số lượng lớn về tiền, tài sản liên quan đến các tổ chức tín dụng đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu của Quốc hội giao về việc và về tiền của các cơ quan THADS. 

Ngoài ra, ngày 14/01/2014, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để THADS.

Những văn bản trên là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh trong thực tế, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán nợ xấu tại Việt Nam. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc phối hợp liên ngành trong công tác THADS, giảm số lượng án tồn đọng.

Để công tác phối hợp tiếp tục thực chất, từ đó nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng, ngân hàng, các cơ quan THADS cần tiếp tục báo cáo, kịp thời đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; Nghị quyết của Chính phủ, Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp trong xử lý nợ xấu.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện đúng trình tự, thủ tục thẩm định tài sản trước khi cho khách hàng vay. Trong quá trình nhận thế chấp phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ tài sản thế chấp để tránh tình trạng tài sản bị thay đổi so với lúc nhận thế chấp; cử người có năng lực, trách nhiệm để tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng từ giai đoạn xét xử đến giai đoạn THADS.

Cùng với đó, phải kịp thời đề nghị Tòa án giải thích các nội dung chưa rõ trong các quyết định, bản án của Tòa án để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong việc tiến hành rà soát các vụ việc phải thi hành án; lập kế hoạch để thực hiện, kiểm tra Quy chế phối hợp, từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, chuẩn bị cho việc tổng kết hàng năm theo Quy chế.

Về phía Bộ Tư pháp, cần chỉ đạo Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và công tác phối hợp liên ngành. Đồng thời thường xuyên, kịp thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và phối hợp với các ngành, các tổ chức, đoàn thể để huy động hệ thống chính trị ở địa phương trong công tác THADS nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác THADS trên địa bàn tỉnh. 

Trong đó, các cơ quan THADS cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục nói chung và phát huy vai trò của Tổ công tác xử lý nợ xấu ở Tổng cục và ở từng địa phương trong công tác xử lý nợ xấu, nhằm nâng cao và hoàn thành chỉ tiêu thi hành án, nhất là chỉ tiêu về tiền.

Song song với đó, cần sớm triển khai thực hiện trên cả nước việc thực hiện yêu cầu thi hành án trực tuyến; tăng cường công tác kiểm tra trực tiếp đối với các cơ quan THADS địa phương, nhất là các Chi cục. Đồng thời lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản có năng lực để đảm bảo quá trình kê biên, bán đấu giá đúng pháp luật và hiệu quả. 

Đọc thêm