Phú Thọ: Phát huy vai trò nòng cốt của ngành Tư pháp trong phổ biến pháp luật

(PLO) - Với các hình thức triển khai thiết thực, phù hợp với đặc điểm của địa bàn, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư mà công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hình minh họa
Hình minh họa

Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL và Thông báo Kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cấp, các ngành chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị.

Đồng thời chủ động phối hợp và thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL cho nhân dân, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và của cả hệ thống chính trị của chính quyền các cấp trong giai đoạn mới hiện nay.

Nội dung tuyên truyền, phổ biến đã bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương; hình thức PBGDPL không ngừng được đổi mới, phù hợp với đặc điểm cụ thể về đối tượng và địa bàn. Công tác PBGDPL thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, qua các hoạt động trợ giúp pháp lý, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố; hòa giải ở cơ sở cũng đã được chú trọng, triển khai và đạt hiệu quả thiết thực.

Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được trên 42 nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho gần 3 triệu lượt người; cấp phát trên 2 triệu bản tài liệu pháp luật miễn phí cho người dân; đăng tải trên 23 nghìn tin, bài pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Ngoài ra, tỉnh còn phát hành Bản tin Tư pháp Phú Thọ với 2 số/năm; Trang tin điện tử của Sở Tư pháp Phú Thọ thường xuyên đăng tải thông tin về các văn bản pháp luật mới, các hoạt động PBGDPL, hướng dẫn nghiệp vụ; phối hợp xây dựng các chuyên mục “Giám đốc với cử tri”, “Đại biểu dân cử với cử tri” trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh. Bên cạnh đó, còn có các chuyên mục “An ninh Phú Thọ”, “Văn bản chính sách pháp luật”, tạp chí “Thuế nhà nước”, “Các vấn đề xã hội”… với nội dung phản ánh về các văn bản chính sách pháp luật và việc thực thi pháp luật.

Đến nay, toàn tỉnh có 55 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 283 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 3.238 tuyên truyền viên cấp xã. Phú Thọ cũng đã hoàn thành việc xây dựng Tủ sách pháp luật với 277 tủ sách ở xã, phường, thị trấn và 1.795 tủ sách ở các cơ quan, đơn vị; trang bị cho Tủ sách pháp luật cấp xã hơn 3 nghìn cuốn sách pháp luật, trang bị cho Tủ sách pháp luật của khu dân cư 2.890 cuốn Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ và nhiều tài liệu khác. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh còn không ít tồn tại, hạn chế như công tác phối hợp giữa cơ quan, tổ chức liên quan chưa thật sự chặt chẽ. Việc PBGDPL hiện nay chủ yếu tập trung vào các luật và pháp lệnh, chưa chú trọng vào các văn bản hướng dẫn thi hành; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vừng đồng bào dân tộc thiểu số…

Xuất phát từ thực tế triển khai nhiệm vụ và nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW, Thông báo Kết luận số 74-TB/TW, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ nhân dân. Đặc biệt, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu kịp thời cho Hội đồng phối hợp PBGDPL triển khai có hiệu quả Luật PBGDPL, các chương trình, kế hoạch PBGDPL của địa phương.

Công tác rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp và hòa giải viên ở cơ sở cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng thời phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thiết thực giữa các thành viên, các cơ quan có liên quan trong công tác này. Đặc biệt, cần không ngừng đa dạng hóa và đổi mới cách thức thực hiện hoạt động PBGDPL, kết hợp PBGDPL với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hòa giải ở cơ sở, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, đặc thù của từng đơn vị, địa phương và cộng đồng dân cư.

Song song với đó, các cấp chính quyền địa phương cũng cần quan tâm bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL, tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ lực lượng làm công tác PBGDPL. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh xã hội hóa công tác PBGDPL để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Đọc thêm