Quản lý đất đai : chống chéo và nhũng nhiễu phí "ngoài luồng"

Đại diện các cơ quan chức năng của Hà Nội cho rằng, việc quản lý nhà nước về đất đai ở Hà Nội còn nhiều chồng chéo

Còn chi phí "ngoài luồng" trong lĩnh vực đất đai là thừa nhận của Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội hôm qua (8/7) tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội ( UBTVQH) do Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu dẫn đầu với lãnh đạo TP.Hà Nội về việc thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn TP.

Khó vì luật chưa rõ

Trước yêu cầu của Đoàn giám sát về cung cấp thông tin bất cập trong khi áp dụng pháp luật và TTHC trong lĩnh vực quản lý về đất đai trên địa bàn TP, Giám đốc Sở TN&MT Vũ Văn Hậu cho hay, theo qui định của pháp luật, vấn đề quản lý đất đai “nằm trong tay” 3 cơ quan Tư pháp, TN&MT, Xây dựng nên nhiều khi chồng chéo, khó phân định thẩm quyền giải quyết, nhất là trong vấn đề đăng ký biến động đất đai, nhà ở gắn liền với đất, đăng ký thế chấp …

Quản lý đất đai : chống chéo và nhũng nhiễu phí "ngoài luồng" ảnh 1
Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc tại Hà Nội

Giám đốc Sở TN&MT còn liệt kê ra hàng loạt bất cập trong công tác quản lý đất đai mà nguyên nhân chính là từ các qui định hiện hành. Hiện qui trình cấp giấy chứng nhận (GCN) đối với nhà thương mại theo NĐ 69 “là chưa phù hợp” và qui trình thu hồi đất bị “kéo dài” cũng do NĐ này; hay sự mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư về qui định giao đất cho chủ đầu tư…

Nhiều khái niệm trong luật không được giải thích rõ ràng như quy định “ giá thị trường trong điều kiện bình thường...”, khiến chính cán bộ nhiều khi không biết trả lời dân thế nào hoặc áp dụng ra sao, dẫn đến nhiều bức xúc khó giải quyết. Ví dụ đất nông nghiệp ở Ba Vì có lúc được đẩy lên mức 180 triệu đồng/sào, khi Nhà nước thu hồi đất thì người dân muốn được hưởng đền bù theo đúng “giá thị trường” này.

Theo Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước giao cho người dân sử dụng. Nhưng hiện nay nếu Nhà nước cần thu hồi lại phải bỏ tiền ra như là mua đất của dân. Nhà nước đền bù cho dân khi thu hồi đất xuất phát từ quyền lợi của người dân, nhưng không có nghĩa là cứ phải bỏ tiền ra để hỗ trợ đền bù với mức giá “trên trời”.

Đó là hậu quả của việc những quy định về đền bù khi thu hồi đất cho các dự án còn chưa chặt chẽ. Từ thực tế trên, ông Nguyễn Văn Thuận – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của QH – băn khoăn: “Liệu có nên giữ lại quy định đền bù cho dân theo giá thị trường hay không? Và nếu chúng ta quy định như thế này có mâu thuẫn giữa chế độ sở hữu đất đai với quản lý nhà nước”.

“Văn phòng” chồng chéo với “một cửa”

Trả lời băn khoăn của Chủ nhiệm UBPL QH Nguyễn Văn Thuận về “thực hư của “chi phí ngoài luồng” trong việc xin cấp đất, cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, Giám đốc Sở TN&MT Vũ Văn Hậu thẳng thắn khẳng định, việc đơn vị tư vấn “cầm” thêm tiền ngoài hợp đồng của chủ đầu tư để làm nhanh hơn, vì “có quan hệ với bên trên” “là có và khó kiểm soát”. Qua ví dụ của 1 người dân ở quận Hoàn Kiếm phản ánh, có người “mời chào” lấy GCN với giá 300 triệu đồng, ông Hậu cũng lưu ý, “việc cấp GCN không chỉ là quan trọng với người dân mà còn phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Vì vậy, người dân không nên thêm “phụ phí” để được cấp GCN”.

TP đã giao cho các Văn phòng Đăng ký nhà đất làm thủ tục cấp giấy chứng nhận về đất đai, nhưng vô hình chung lại khiến hoạt động giữa văn phòng đăng ký đất đai và bộ phận một cửa chồng chéo. Trong khi Văn phòng đăng ký nhà đất chưa thể hoàn thành nghĩa vụ quản lý do thiếu bản đồ địa chính, thì nhiều thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đất đai còn dài, khó khăn cho người đi làm thủ tục.

Thủ tục công khai mà DN khó tiếp cận?!

Đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp, đại biểu Phạm Gia Thư đến từ Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa biết một cách đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án và khi biết thì dự án đã có chủ đầu tư rồi. Các doanh nghiệp phải làm quá nhiều thủ tục về đất đai và nếu cứ “căn” mà làm đẩy đủ thì dù có hướng dẫn cũng rất khó khăn. Nhiều hồ sơ trùng lắp, không cần thiết.

Ông Thư cho rằng, “nếu giảm được một số thủ tục hành chính thì đầu tư vào Hà Nội sẽ hiệu quả hơn và thủ tục hành chính cần có sự minh bạch, rõ ràng hơn”.

Trên thực tế theo các báo cáo của Hà Nội thì địa phương này đã giảm khoảng 50% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư nhưng tỷ lệ đầu tư vào Hà Nội vẫn thấp hơn so với các địa phương khác. Phản đối quan điểm của đại diện VCCI, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định, mọi TTHC đều được công bố công khai trên các cổng thông tin điện tử, chỉ cần “khều” ra là có ngay, tại sao doanh nghiệp cứ kêu là khó tiếp cận.(!)

Tuy nhiên, nếu DN có “khều” được văn bản thì cũng không thể làm gì được vì “văn bản nhiều, biến động liên tục khiến chính cán bộ cũng không thể nhớ hết và lúng túng khi áp dụng” – như nhận định của ông Hậu khi chỉ ra một trong những nguyên nhân làm cho công tác quản lý đất đai bị “trắc trở”, dân còn phải “kêu” thời gian qua. Hơn nữa, do trình độ đơn vị tư vấn, chủ đầu tư còn yếu kém nên khó có thể hoàn thiện hồ sơ đất đai đúng qui định pháp luật. Vì thế, hồ sơ đất đai “thường không có đủ trong lần nộp đầu tiên”.

Đoàn giám sát cũng đã làm việc với lãnh đạo TP về CCHC trong lĩnh vực thuế, hải quan trước khi đi kiểm tra thực tiễn tại các cơ sở liên quan.

Huy Anh

*. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: “TTHC được ban hành đầy đủ nhưng nếu chính những người vận hành bộ máy quản lý, áp dụng pháp luật không tôn trọng, sách nhiễu dân, kéo dài thời gian thì dù có cải cách cũng không hiệu quả. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng con người là yếu tố quan trọng của công cuộc cải cách này”.


*. Ông Nguyễn Đình Cung – thành viên Đoàn giám sát: “những bảng đánh giá về tình hình thực hiện CCHC như các Sở ban ngành đã và đang làm vẫn đi theo kiểu truyền thống, nghĩa là chỉ đưa ra những gì ta có còn những gì xã hội và nhân dân thực sự cần, thực sự mong có thì lại thiếu.

          CCHC đã trải qua một thời gian dài hơn chục năm rồi mà vẫn cứ được coi là bước đột phá. Chúng ta cần phải đánh giá về CCHC so với yêu cầu của người dân, để sau vài năm nữa CCHC không còn là khâu đột phá, không còn là điểm “ngẽn” nữa. Do đó, đánh giá phải rộng hơn để giải quyết những vấn đề còn bị “thắt cổ chai”

.

Đọc thêm