Quản lý nhà nước về công tác bồi thường: Phát huy vai trò tham mưu của Sở Tư pháp

(PLVN) - Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN 2017) đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 01/7/2018, Luật đã có nhiều quy định mới so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Nhiệm vụ quản lý nhà nước lần (QLNN) đầu tiên về công tác bồi thường được quy định cụ thể trong Luật. 
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Theo đó, Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm thống nhất QLNN về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án, tố tụng trên phạm vi cả nước. Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước là Bộ Tư pháp. Tại địa phương, UBND cấp tỉnh là cơ quan có trách nhiệm thống nhất QLNN về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án, tố tụng tại địa phương. Cơ quan tham mưu đầu mối giúp UBND cấp tỉnh QLNN về công tác bồi thường là Sở Tư pháp. 

Để Luật TNBTCNN sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của công dân ngày 10/12/2019,  Bộ Tư pháp đã ban hành  hai Thông tư: Thông tư  số 08/2019/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng QLNN về công tác bồi thường nhà nước ; Thông tư số 09/2019/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước. 

Để thực hiện tốt công tác tham mưu giúp UBND cấp tỉnh trong việc QLNN về công tác bồi thường theo Luật TNBTCNN năm 2017, cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư số 08 và Thông tư số 09 Sở Tư pháp cần tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, ban hành kế hoạch công tác bồi thường trong đó xác định cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm. Việc ban hành kế hoạch công tác bồi thường vừa thể hiện sự chủ động trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước cũng như thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch được bài bản. 

Thứ hai, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong QLNN về công tác bồi thường đặc biệt hiện nay, UBND cấp tỉnh thống nhất quản lý nhà nước không chỉ trong lĩnh vực quản lý hành chính, thi hành án mà cả trong hoạt động tố tụng; Sở Tư pháp tham mưu xác định cơ quan giải quyết bồi thường. Do vậy, cần có quy định để thể hiện rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, trách nhiệm của các cơ quan phối hợp. 

Sở Tư pháp chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh nhằm bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, kịp thời với các cơ quan đơn vị trong quá trình thực hiện nhiêm vụ QLNN về công tác bồi thường tại địa phương. Việc chủ động tham mưu của Sở Tư pháp trong phối hợp với TAND, VKSND cấp tỉnh, Cục THADS và các cơ quan có liên quan trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước nói chung, trong thực hiện QLNN về công tác bồi thường nhà nước nói riêng, nhất là các quy định về tham gia giải quyết bồi thường, xác định cơ quan giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh cũng như quy định về xác định cơ quan giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của Sở Tư pháp để bảo đảm thực hiện QLNN về công tác bồi thường.

Để thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước, Sở Tư pháp cần nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ QLNN về công tác bồi thường là rất cần thiết. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, trách nhiệm của các cơ quan phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ. Qua công tác phối hợp liên ngành để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan đối với công tác bồi thường. Đặc biệt, tăng cường công tác phối hợp hơn nữa trong cung cấp thông tin về hoạt động giải quyết bồi thường; phối hợp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Thứ ba, đối với địa phương phát sinh vụ việc bồi thường cần xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra liên ngành để giải quyết triệt để các vụ việc phát sinh. 

Thứ tư, để thực hiện đúng quy định của Luật TNBTCNN năm 2017, trong quá trình giải quyết vụ việc bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường phải mời cơ quan QLNN tham gia khi thương lượng, việc tham gia của cơ quan QLNN trong giai đoạn thương lượng là bắt buộc. 

Thứ năm, Sở Tư pháp cần tham mưu cho UBND cấp tỉnh rà soát, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác QLNN về công tác bồi thường nhà nước và giải quyết bồi thường nhà nước, cụ thể phân công công chức đầu mối thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Đồng thời, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí bảo đảm đầy đủ để chủ động thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm của Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh trong việc chủ động, kịp thời giải quyết khi có vụ việc bồi thường phát sinh tại địa phương, qua đó, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật TNBTCNN năm 2017.  

Đọc thêm