Quảng Bình thực hiện hòa giải cơ sở thành công 85% số vụ việc

(PLVN) -Đến nay, trên toàn tỉnh Quảng Bình đã có 1.302 tổ hòa giải với 8.669 hòa giải viên, các tổ hòa giải ngày càng được kiện toàn với đội ngũ cơ bản hòa giải viên được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ.

Trao đổi với PLVN, bà Trần Thị Ngọc Hồng, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) – Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình khẳng định: “Hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, đội ngũ hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và tự nguyện. Hoạt động hoà giải đã từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày một đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải, hoà giải viên trên địa bàn tỉnh đã tiến hành thụ lý hòa giải 11.376 vụ việc, trong đó hòa giải thành 9.704 vụ việc, đạt tỷ lệ 85%”.

Phần dự thi mang lại nhiều cảm xúc của Đội TP Đồng Hới tại Hội thi “Hòa giải viên giỏi” tỉnh Quảng Bình lần thứ VI
 Phần dự thi mang lại nhiều cảm xúc của Đội TP Đồng Hới tại Hội thi “Hòa giải viên giỏi” tỉnh Quảng Bình lần thứ VI 

Theo bà Hồng, thì công tác hoà giải cơ sở tại Quảng Bình đã và đang thực sự chứng minh tầm quan trọng của mình bằng việc giải quyết dứt điểm những vướng mắc có thể phát sinh khiếu kiện ngay từ cơ sở góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân. Điều đó khẳng định vai trò và vị trí của công tác hoà giải hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần vào sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng pháp luật trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”. Hoạt động hòa giải đã trở thành cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở ở Quảng Bình nhận bằng khen của UBND tỉnh
 Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở ở Quảng Bình nhận bằng khen của UBND tỉnh

Dẫu vậy, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn tồn tại, hạn chế như: một số địa phương cấp huyện chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở; nhiều địa phương chưa khuyến khích, huy động được lực lượng có chuyên môn cao, đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên và thiếu sự hỗ trợ cho hòa giải viên trong hoạt động hòa giải; một số hoà giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức và có tâm lý cho rằng việc hòa giải là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”; hoạt động hoà giải chưa thực sự đồng đều; bởi khó khăn về biên chế nên đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải từ cấp tỉnh đến cấp xã còn kiêm nhiệm nên công tác tham mưu, quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở chưa có chiều sâu…

Ngoài ra, việc nhận thức về các quy định của thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở còn hạn chế nên chưa có vụ, việc nào đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Bên cạnh đó, một số xã đã có chủ trương giao cho công chức Tư pháp - Hộ tịch hoàn thiện hồ sơ sau khi hòa giải thành để nhận kinh phí hỗ trợ cho các tổ hòa giải đối với từng vụ việc sau khi hòa giải thành nhưng trên thực tế vẫn chưa thực hiện.

Về các đề xuất, kiến nghị đối với Bộ Tư pháp trong hoạt động hòa giải cơ sở, bà Trần Thị Ngọc Hồng - Trưởng Phòng PBGDPL mong muốn rằng: “Bộ Tư pháp cần có quy định cụ thể thời hạn tiến hành hòa giải và giới hạn số lần hòa giải không thành cho mỗi vụ việc, nếu không đạt kết quả hòa giải thành thì phải chuyển đến cơ quan chức năng để các bên giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn; Bộ cần phối hợp với Bộ Tài chính quan tâm hướng dẫn việc bố trí kinh phí cho hoạt động này ở các địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách như Quảng Bình”.

“Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần tiếp tục biên soạn, in ấn, phát hành miễn phí các sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật cho hòa giải viên; băng, đĩa có nội dung tuyên truyền, PBGDPL về hòa giải và các vụ việc hòa giải điển hình, tình huống mô phỏng về hòa giải; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ tham mưu quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; kịp thời đăng tải các văn bản, tài liệu có liên quan trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hoà giải ở cơ sở và công tác PBGDPL thông qua hoạt động hoà giải; thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết và thi đua, khen thưởng đối với công tác hoà giải ở cơ sở” – bà Hồng đề xuất thêm.

Thông tin với PLVN, Trưởng Phòng PBGDPL – Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Uỷ ban MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận cần tăng cường phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức tổ hòa giải và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên, hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở. 

Đọc thêm