Quốc tế đánh giá cao nỗ lực hoàn thiện pháp luật về trẻ em của Việt Nam

(PLVN) - Ngày 31/10, phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam, Bộ Tư pháp tổ chức Phiên thảo luận về “Hoàn thiện và thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp vì trẻ em trong tiến trình cải cách pháp luật và tư pháp Việt Nam”. 

Đây là Phiên thảo luận tiếp nối của những thành công trước đó nhằm cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin liên quan đến việc hoàn thiện, thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em – nhóm đối tượng nhận được sự quan tâm lớn từ cả phía Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế. 

Đồng chủ trì Phiên thảo luận có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển, Bí thư Thứ nhất Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Tom Corrie, Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller. 

Đảm bảo môi trường trong lành và an toàn cho trẻ em 

Phát biểu khai mạc Phiên thảo luận, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Trong suốt gần 30 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để từng bước thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên khi tham gia Công ước này nhằm đảm bảo trẻ em được lớn lên trong một môi trường trong lành và an toàn.

Đồng chủ trì Phiên thảo luận
Đồng chủ trì Phiên thảo luận 

Nói riêng về tư pháp cho trẻ em, Thứ trưởng Oanh cho biết, Việt Nam đã đảm bảo thực hiện các cam kết trong việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tư pháp người chưa thành niên cũng như thực tiễn phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật, xác định những điểm tương thích và chưa tương thích với Công ước về quyền trẻ em cũng như các chuẩn mực quốc tế khác về tư pháp người chưa thành niên. 

“Việc ra đời của thiết chế tư pháp rất tiến bộ là Tòa gia đình và người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy của TAND là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp” – Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định.

Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được là rất đáng ghi nhận, thể hiện sự chủ động, tích cực và cố gắng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều các kết quả đạt được, công tác bảo vệ trẻ em và tư pháp vì trẻ cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ quyền trẻ em
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ quyền trẻ em

Vì vậy, theo Thứ trưởng Oanh, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải tiếp tục tập trung nội lực, kết hợp với huy động sự chung tay, giúp sức của cộng đồng quốc tế để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trẻ em; hướng tới việc xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện; nâng cao nhận thức, năng lực và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện quyền trẻ em; tăng cường giám sát thực thi các chính sách pháp luật có liên quan đến trẻ em; nâng cao chất lượng hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là các vấn đề “nóng” liên quan trẻ em... tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Còn nhiều thách thức phải khắc phục

Đồng tình với Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, ông Tom Corrie nhận thấy thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện pháp luật về trẻ em. Ông Corrie cũng cho rằng việc hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý cho trẻ em, người chưa thành niên phải bảo đảm việc ứng xử phù hợp, thân thiện, tiếp cận được nhanh chóng để bảo đảm được quyền lợi. Đồng thời, khi rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải lồng ghép pháp luật về trẻ em và cũng cần xem xét cơ chế cho các cán bộ làm công tác xã hội, bảo vệ trẻ em, từ đó đưa ra mục tiêu, các khuyến nghị nhằm lấp đầy khoảng trống pháp luật về trẻ em.

Bà Lesley Miller ghi nhận những nỗ lực hoàn thiện khung pháp luật về trẻ em của Việt Nam
 Bà Lesley Miller ghi nhận những nỗ lực hoàn thiện khung pháp luật về trẻ em của Việt Nam

Bà Lesley Miller thì đặc biệt ghi nhận những nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp luật để tăng cường bảo vệ trẻ em trai và trẻ em gái khỏi mọi hình thức xâm hại. Nhưng bà cũng nêu ra một số thách thức mà Việt Nam cần khắc phục như hệ thống pháp luật vẫn còn những kẽ hở cần được tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm quyền cho mọi trẻ em; tiếp tục tăng cường thực thi pháp luật để đem lại những thay đổi thực sự cho cả trẻ em trai và trẻ em gái; cần xây dựng cơ chế điều phối hoạt động của các bộ, ngành liên quan. 

Đề cập riêng đến thiết chế Tòa gia đình và người chưa thành niên, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền thông tin, thiết chế này đến nay đã được thành lập tại TAND Cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cùng 38 TAND cấp tỉnh. Đây cũng là Tòa chuyên trách trong cơ cấu tổ chức của TAND được quy định tại Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) năm 2014. Vị Phó Chánh án TANDTC tâm niệm, việc ra đời thiết chế này không chỉ là dấu ấn quan trọng, một thành công của tiến trình cải cách tư pháp mà còn chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, nhất là trẻ em trong hoạt động tư pháp. 

Bà Nguyễn Thúy Hiền thông tin đã có 38 TAND cấp tỉnh và 3 TAND Cấp cao thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên
Bà Nguyễn Thúy Hiền thông tin đã có 38 TAND cấp tỉnh và 3 TAND Cấp cao thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên 

Tuy nhiên, để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng, theo bà Hiền, cần thành lập các bộ phận chuyên trách trong Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Ngoài ra, cần chú trọng việc lựa chọn các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tăng cường áp dụng biện pháp tư pháp, các hình phạt không phải là hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Các cơ quan hữu quan cũng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan, tổ chức xã hội trong việc cử các chuyên gia tâm lý – xã hội trợ giúp về mặt tâm lý, xã hội cho người dưới 18 tuổi là nạn nhân trong các vụ án xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em khi tham gia tố tụng để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của trẻ em.

Đọc thêm