"Buồn vui chuyện nghề" cùng vị Tiến sĩ chuyên “tuýt còi văn bản phạm luật”

Thấp thoáng phía sau những quy định bị công luận cho là có lúc thừa hoặc sai như quy định “ngực lép không được lái xe gắn máy” Bộ Y tế ban hành trước đây, người thường ta thấy tên Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) giữ vai trò như “cảnh sát tuýt còi văn bản phạm luật”, yêu cầu hủy bỏ quy định trái luật. Pháp luật & Thời đại đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về công việc rất đặc thù này...

Thấp thoáng phía sau những quy định bị công luận cho là có lúc thừa hoặc sai như quy định “ngực lép không được lái xe gắn máy” Bộ Y tế ban hành trước đây, người thường ta thấy tên Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) giữ vai trò như “cảnh sát tuýt còi văn bản phạm luật”, yêu cầu hủy bỏ quy định trái luật. Pháp luật & Thời đại đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về công việc rất đặc thù này.
a
TS Lê Hồng Sơn

Muốn làm tốt phải có trình độ, bản lĩnh và cái tâm”

- Ông có nhận xét gì về việc thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trước khi ban hành hiện nay?

Một số còn có hiện tượng hình thức, có khi thẩm định bị ỉm đi, hoặc trốn thẩm định, hoặc “đánh tráo” giữa tham gia góp ý trong quá trình soạn thảo với thẩm định cuối cùng theo quy định của luật. Cá biệt, có trường hợp khi gửi thẩm định, có một vài nội dung, cơ quan trình dự thảo biết là sai trái đã rút đi, sau khi thẩm định xong mới được đưa trở lại để trình thông qua. 

Mấu chốt của vấn đề là ở nhận thức của một số nơi, một số người còn e ngại thẩm định, không “khoái” thẩm định nên mới có một số hiện tượng này. Có khi còn do sự nhầm lẫn cho rằng thẩm định là cho cơ quan soạn thảo chứ không phải cho cơ quan quyết định thông qua văn bản...  

Mọi người nên hiểu rõ thẩm định là cả một quá trình, trong đó việc cơ quan thẩm định tham gia vào quá trình soạn thảo là cực kỳ quan trọng, giúp cho việc thảo luận thống nhất, hoàn thiện văn bản. Đây là giai đoạn “tiền thẩm định”. Sau đó mới đến giai đoạn thẩm định chính thức, nhận hồ sơ, chuẩn bị báo cáo thẩm định và thường là đến đây chỉ còn một số ít vấn đề chưa đạt sự thống nhất thì mới nêu trong thẩm định và đề xuất phương án xử lý.

- Có khi nào cơ quan soạn thảo lại “đi đêm” với người thẩm định để khỏi bị “soi mói”?

Vì thế người tham gia thẩm định phải có trình độ, bản lĩnh, nhưng cũng phải có tâm và cả đạo đức nữa. Phải tỉnh táo vượt ra khỏi cám dỗ thông thường để thực hiện nhiệm vụ thẩm định một cách khách quan, đúng yêu cầu.

Ngay trong nội bộ đơn vị thẩm định thì người điều hành cũng phải thực hiện đúng nguyên tắc huy động trí tuệ tập thể, huy động chuyên gia trong đơn vị cũng như ở các đơn vị cơ quan khác để giúp phát hiện vấn đề khi thẩm định. Vẫn có tình trạng hình thức, cho một vài chuyên viên chuẩn bị để trình lãnh đạo. Vì vậy cần phải hoàn thiện cơ chế thẩm định để ngăn chặn được khả năng xảy ra hạn chế, tiêu cực đã nêu để thực hiện công tác thẩm định bảo đảm chất lượng, hiệu quả. 

- Ông đã bao giờ rơi vào trường hợp vì bị can thiệp mà tất cả ý kiến phản biện ban đầu định đành bỏ lại chưa?

Tôi lại hay gặp ngược lại. Dự họp ở một số nơi, đối với một số dự thảo, mình phân tích, phản biện rất ghê. Lúc đầu họ hoang mang không biết mình ủng hộ hay… gây sự? Nhưng mình phải rõ ràng: “Tôi nêu hết để các đồng chí thấy. Nếu các đồng chí cần, tôi sẵn sàng ngồi trao đổi và cùng các đồng chí đưa ra phương án nhằm hoàn thiện dự thảo”. Và thực tế đã xảy ra như vậy. Mình nói được và cũng làm được, giúp được người ta.

Buồn vui chuyện nghề  

- Ở vị trí chuyên “tuýt còi” cơ quan khác, anh có thấy áp lực không?

Tâm lý người ta không ai muốn những cái sai của mình bị phanh phui, bị nêu ra và khi bị nêu thì thường có những phản ứng. Một số lần, người có văn bản sai được nêu ra đã gọi điện đến cấp nọ, cấp kia để giải trình, để bảo vệ… thậm chí, gọi điện nhờ một số người can thiệp, gây áp lực. 

- Vậy phải làm sao để giảm những áp lực này?

Phải có bản lĩnh, thứ nhất phải phát hiện cho được. Đây là việc cực kỳ khó, vì đòi hỏi anh phải có trình độ, có bản lĩnh chuyên môn, phát hiện cho đúng, cho chuẩn, kịp thời. Thứ hai là bản lĩnh trong xử lý, phải đúng nội dung công việc mình được giao. Phát hiện rồi thì phải nêu, chứ phát hiện rồi lại đến cơ quan kia “trao đổi” rồi ỉm đi, như thế là không đúng.

Mặt khác, nếu chỉ chuyên môn đơn thuần, chỉ thấy người ta sai một chiều cũng không ổn. Ở đây phải nghiên cứu rất kỹ tính “hợp lý” của các quy định. Cũng có khi do hậu kiểm mà phát hiện ra văn bản của cấp trên còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn thì cũng phải kiến nghị cấp trên sửa đổi cho kịp thời.

Cũng xin nói thật là cơ chế để bảo đảm an toàn cho người kiểm tra, nhất là thủ trưởng cơ quan kiểm tra, đang là một vấn đề. Bởi người ta không “chống” được mình chỗ đó thì sẽ gây sự chỗ khác. Tôi đã từng bị bêu xấu, bị “đe doạ”… Đôi khi không chính thức đâu, mà bằng những cú điện thoại, hay phát ngôn ở chỗ này chỗ khác, cố làm giảm uy tín, làm giảm giá trị công tác của mình, thậm chí đánh cả vào cá nhân mình nữa. 

- Có bao giờ ông nhân nhượng khi xử lý những sai phạm của người khác?

Nương nhẹ thì chưa. Chỉ có trường hợp, mình phát hiện được, mời người ta đến họp. Họ nhận sai và đề nghị khoan phát công văn, để họ xử lý, hoàn thiện nghiêm chỉnh. Trong trường hợp đó, mình làm theo đề xuất của họ, miễn là xử lý được, không cần rùm beng làm gì. 

- Làm công việc đặc thù, ông nhận thấy người ta quý hay ghét mình nhiều hơn?

Tôi cũng gặp một số trường hợp người ta ác cảm với mình. Bằng cách này hay cách khác, người ta tác động tới mình, khiến mình phải chịu áp lực ngược. Một số khác, khi mình phát hiện và nêu vấn đề, họ sửa. Sau đó thì họ cảm ơn, thậm chí rất nể phục, trân trọng ý kiến mình. Có nhiều cơ quan, khi thảo luận nội dung văn bản, vấn đề gì đang còn đang tranh cãi, chưa thật “sáng” thì lãnh đạo bảo “nên sang tham khảo ý kiến anh Sơn đã”. Đó cũng là những niềm vui của công việc đặc thù này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Pháp luật & Thời đại

Đọc thêm