Quyền bề mặt - những lợi ích còn đang bị bỏ phí

(PLO) -Quyền bề mặt đã chính thức được ghi nhận lần đầu tiên tại Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) từ Điều 267 - 273. Nó có thể đem lại cho cuộc sống hiện đại ngày nay nhiều lợi ích vô cùng to lớn nếu chúng ta biết cách “khai thác” nó thật hiệu quả. 
tuyến Cát Linh - Hà Đông đã buộc phải “mua lại” hàng chục hecta quyền sử dụng đất, phải phá đi hàng trăm nhà dân
tuyến Cát Linh - Hà Đông đã buộc phải “mua lại” hàng chục hecta quyền sử dụng đất, phải phá đi hàng trăm nhà dân

Vì sao đường sắt Cát Linh - Hà Đông “đội” vốn và chậm trễ?

Khi xây dựng đường sắt trên cao, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề nan giải là giải phóng mặt bằng. Tính riêng dự án xây 13km đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông đã buộc phải “mua lại” hàng chục hecta quyền sử dụng đất, phải phá đi hàng trăm nhà dân và di dời hàng trăm ngôi mộ, đã phải chi hơn 62 triệu USD cho giải phóng mặt bằng để sau đó chỉ sử dụng khoảng không gian từ 15 - 20m trên cao.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ và “đội” vốn lên cao của dự án đường sắt này bởi chế định quyền bề mặt chưa được khai thác.

Còn tỉnh Trùng Khánh (Trung Quốc) khi xây dựng đường sắt trên cao chỉ mua lại khoảng không gian tầng 8 và tầng 9 để cho tàu điện “chui qua”, thậm chí sử dụng ngay nhà cao tầng đó làm nhà ga. Người dân ở các khu chung cư đó vẫn được sống ổn định lại vừa được sử dụng tàu điện trên cao mà không cần bước chân ra khỏi nhà mình. Giá trị của từng căn hộ khi ấy không những không bị mất đi, ngược lại còn tăng cao.

Đặc biệt, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với vấn nạn giao thông ùn tắc. Dự án xe buýt nhanh BRT đang bị chỉ trích do không làm cho không gian giao thông tăng lên mà chỉ dành quyền ưu tiên một làn đường riêng cho mình. Trong khi đó, các nước tiên tiến khắc phục tình trạng này theo cách căn cơ hơn nhiều - cắt lớp khoảng không, sử dụng tiếp nhiều tầng khoảng không phía dưới lòng đất làm đường giao thông cho cả ô tô lẫn tàu điện ngầm.

Trưởng phòng Pháp luật dân sự (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) Lê Thị Hoàng Thanh giới thiệu, theo BLDS, quyền bề mặt được định nghĩa là “quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về một chủ thể khác”. BLDS cũng quy định về căn cứ xác lập và hiệu lực của quyền bề mặt, hiệu lực của quyền bề mặt, thời hạn của quyền bề mặt, nội dung quyền, chấm dứt quyền, về đăng ký quyền.

Có thể nói, các quy định về quyền bề mặt trong BLDS là căn cứ pháp lý ban đầu giúp chúng ta thực hiện được thêm nhiều dự án “cao hơn và sâu hơn”. Lợi ích quyền bề mặt đem lại có thể “chốt” trong 4 khía cạnh gồm giảm thiểu chi phí cho giải phóng mặt bằng, người dân không bị mất đất, huy động được đồng thời nhiều chủ thể cùng khai thác khoảnh đất và khai thác triệt đề nguồn tài nguyên đất.

Để quyền bề mặt thực sự đi vào đời sống 

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Đăng Hiếu (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, các quy định của BLDS mới chỉ mang tính khởi đầu chứ chưa đủ để quyền bề mặt thực sự đi vào đời sống xã hội Việt Nam. Nhằm điều chỉnh được quan hệ liên quan đến quyền bề mặt, ông Hiếu cho rằng, có một số vấn đề mà pháp luật Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện.

Cụ thể, pháp luật Việt Nam cần giải quyết được mối quan hệ giữa 3 chủ thể: Nhà nước với tư cách chủ sở hữu đất, người có quyền sử dụng đất và người có quyền bề mặt. Chẳng hạn, trong phê duyệt dự án xây dựng tàu điện ngầm, Nhà nước có thể trực tiếp giao quyền bề mặt cho các chủ thể không hay nhất thiết phải thông qua người có quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cần giải quyết được mối quan hệ giữa các chủ thể cùng có quyền bề mặt. “Do cơ chế cắt lớp khoảng không nên sẽ tồn tại đồng thời nhiều người có quyền bề mặt (với ranh giới khoảng không khác nhau) trên cùng một mảnh đất. Điều đương nhiên là mỗi người trong đó không thể tùy tiện thực hiện quyền của mình mà không đếm xỉa đến quyền của người khác phía trên và phía dưới mình. Vì vậy, pháp luật cần làm rõ các quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể quyền bề mặt với nhau” – ông Hiếu phân tích.

Cũng theo ông Hiếu, pháp luật Việt Nam cần giải quyết được vấn đề thủ tục công nhận, đăng ký và công khai quyền bề mặt như đăng ký tại cơ quan nào, thủ tục đăng ký ra sao, ý nghĩa của việc đăng ký, hậu quả gì xảy ra khi các bên không đi đăng ký.

Ông Hiếu khẳng định, việc phải đăng ký quyền bề mặt là hợp lý bởi lẽ trước khi đầu tư tiền bạc và công sức để xây dựng các công trình trong phạm vi khoảng không gian của mình thì người có quyền bề mặt cần được sự thừa nhận và bảo vệ một cách chắc chắn nhất từ phía Nhà nước và pháp luật.

Đọc thêm