Quyết liệt thi hành án dứt điểm các vụ án trọng điểm

(PLO) - Tập trung chỉ đạo quyết liệt để giải quyết dứt điểm các vụ án trọng điểm, kéo dài là mục tiêu được Tổng cục Thi hành án dân sự đề ra trong thời gian tới nhằm nâng cao tỷ lệ thi hành án dân sự, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Quyết liệt thi hành án dứt điểm các vụ án trọng điểm

Điểm mặt các vụ án lớn

Theo kết quả tổng hợp các việc thi hành án dân sự (THADS) trọng điểm của các cơ quan THADS địa phương tính đến ngày 31/3/2016 là 2.860 việc, với tổng số tiền 476.812.727.287.000đ. So với kết quả rà soát lập danh sách tại thời điểm ngày 30/5/2015 là 3.688 vụ thì đến nay đã giảm 828 việc. 

Trong 26 địa phương có lượng án lớn, các địa phương có nhiều vụ việc thuộc danh sách án trọng điểm là Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Thanh Hóa ,TP HCM... đặc biệt Tây Ninh là đơn vị rà soát lập danh sách nhiều nhất với 320 vụ việc. 

Qua tổng hợp báo cáo các việc THADS trọng điểm của các cơ quan THADS địa phương cho thấy, việc phân loại, xác định án trọng điểm của các cơ quan thi hành án chưa thật sự chính xác để tập trung vào việc giải quyết và chỉ đạo giải quyết; nhiều vụ việc chủ động, đương sự phải nộp ngân sách nhà nước án phí không lớn nhưng chấp hành viên vẫn phân loại đưa vào diện án trọng điểm dẫn đến khó theo dõi, chỉ đạo và tập trung giải quyết.

Theo thống kê của Tổng cục THADS, tính đến hết tháng 02/2016, các cơ quan đang tổ chức thi hành các vụ án thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án lớn chủ yếu là các Cục THADS TP Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM và tỉnh Đắk Nông với tổng số 66 việc, số tiền 16.602. 748.244.000 đồng. Hiện nay, có 06 vụ án thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án lớn cần tiếp tục tập trung chỉ đạo giải quyết là vụ Vinashin Hải Phòng, vụ Vinaline, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Ngân hàng Phát triển Đắc Lắc, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Cty ALC II (Vũ Quốc Hảo).

Tổng cục THADS chỉ rõ: mặc dù Tổng cục đã rất cố gắng trong việc chỉ đạo giải quyết hoặc tham mưu chỉ đạo giải quyết những vụ việc trọng điểm, phức tạp, bức xúc kéo dài, tuy nhiên kết quả giải quyết các vụ việc này chưa cao, số vụ việc được giải quyết dứt điểm còn thấp, trong khi số vụ việc mới phát sinh ngày càng nhiều, chiều hướng phức tạp ngày càng tăng, đặc biệt là các việc về bồi thường nhà nước còn có một số tồn tại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thi hành các vụ án lớn còn tồn đọng, trong đó có thể kể đến như do chính quyền địa phương chưa ủng hộ, chỉ đạo tổ chức cưỡng chế hoặc thi hành; do có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương; do bản án tuyên không rõ hoặc phải chờ kết quả giải quyết của Tòa án, chờ trả lời của cơ quan có thẩm quyền; do có vi phạm pháp luật về trình tự, thủ tục của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án phải khắc phục; do đương sự không tự nguyện thi hành, cản trở việc thi hành án bằng cách lợi dụng quyền khiếu nại gửi đơn thư đến nhiều cấp, nhiều ngành để trì hoãn, kéo dài thời gian thi hành án.

Tập trung nguồn lực cho các đơn vị trọng điểm

Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc trọng điểm trong thời gian tới, theo ông Vũ Quốc Doanh (Quyền Cục trưởng Cục THADS TP HCM) thì cần xác định rõ tiêu chí án trọng điểm để địa phương có cơ sở xác định án trọng điểm, có giải pháp giải quyết phù hợp.

Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cần tập trung hơn nữa nguồn lực cơ sở vật chất, con người cho các đơn vị trọng điểm. Đồng thời xây dựng quy chế mẫu giữa Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy với công tác THADS. 

Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Quang Tiến thì đề nghị bổ sung chỉ tiêu để thi tuyển chấp hành viên năm 2016 của các cơ quan THADS TP Hà Nội 33 chỉ tiêu để “bù” vào số chấp hành viên giảm khá nhiều do nghỉ hưu, nghỉ tinh giản, chuyển công tác.

Hà Nội vẫn thiếu chấp hành viên dẫn đến tình trạng quá tải công việc. Bình quân trong 3 năm (2013, 2014, 2015) một chấp hành viên phải thi hành 152 việc và 34,9 tỷ đồng. Trong khi đó, qua đánh giá, mỗi chấp hành viên chỉ có thể thi hành được từ 80 đến 90 việc/một năm. Chưa kể, theo thống kê 06 tháng đầu năm 2016, các cơ quan THADS trên địa bàn Hà Nội lại tăng cả về việc và về tiền so với các năm trước.

Trước mắt, Tổng cục THADS tiếp tục phân công lãnh đạo Tổng cục phụ trách trực tiếp chỉ đạo các địa phương trong việc triển khai thực hiện kế hoạch giải quyết án trọng điểm; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; tăng cường kiểm tra trực tiếp hồ sơ thi hành các vụ việc trọng điểm, nếu phát hiện có sai phạm của chấp hành viên, cần có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, hạn chế hậu quả xảy ra;  

Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo THADS để chỉ đạo công tác phối hợp trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ việc trọng điểm tại địa phương... là những giải pháp được Tổng cục THADS chú trọng trong thời gian tới.

Đọc thêm