Quyết tâm đưa Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII vào hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp

(PLO) - Hôm qua (23/7), dưới sự chủ trì của Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Đảng ủy Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII của Đảng theo hình thức trực tuyến tại 7 điểm cầu. Báo cáo viên Hội nghị là đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì Hội nghị
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Trần Hồng Hà cho biết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII vừa qua đã thảo luận cho ý kiến về các nội dung quan trọng và đã thông qua các Nghị quyết: số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Trực tiếp phổ biến, quán triệt 3 Nghị quyết trên, đồng chí Hà giới thiệu các nội dung cơ bản về tình hình và nguyên nhân; quan điểm chỉ đạo và mục tiêu/nội dung cải cách; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; tổ chức thực hiện của từng Nghị quyết. Với Nghị quyết số 26, đồng chí Hà chú trọng quán triệt 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Trung ương cho rằng cần tập trung vào 2 trọng tâm và 5 đột phá. Với Nghị quyết số 28, đồng chí Hà đã nêu bật 11 nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu lưu ý các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Tư pháp tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan đơn vị mình, hoàn thành trong tháng 7/2018; xây dựng Chương trình hành động của cấp ủy, Kế hoạch hành động của người đứng đầu cấp ủy thực hiện Nghị quyết, báo cáo kết quả thực hiện về Đảng ủy Bộ trước ngày 5/8/2018.

Bên cạnh đó, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc cần cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, bổ sung vào chương trình/kế hoạch công tác hàng năm của cấp ủy và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết. Đặc biệt, phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết, quyết tâm đưa chủ trương, chính sách của 3 Nghị quyết vào hoạt động của Bộ, ngành; đẩy mạnh khâu tuyên truyền, có bài nghiên cứu chuyên sâu tuyên truyền Nghị quyết, nhất là đề xuất được các giải pháp triển khai.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, 3 Nghị quyết đã xác định giải pháp đồng bộ, toàn diện và nhiều nhiệm vụ cụ thể nhưng liên quan đến Bộ, ngành Tư pháp thì cần thảo luận các giải pháp, nhiệm vụ của Bộ, ngành để đưa các Nghị quyết vào cuộc sống.

Với Nghị quyết 26, Thứ trưởng cho rằng, việc triển khai Nghị quyết này gắn với quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp theo Nghị định 96/2017/NĐ-CP, với việc ban hành và thực hiện các Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị, mà một nội dung quan trọng là sắp xếp đội ngũ cán bộ phải làm trong năm nay. 

Thứ trưởng yêu cầu, trên cơ sở Đề án của từng đơn vị thì rà soát để sắp xếp hợp lý, đảm bảo bố trí cán bộ đúng năng lực, vị trí việc làm; bố trí đội ngũ cán bộ với cơ cấu hợp lý; thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, kể cả tự đào tạo, đào tạo qua thực tế, tăng cường sinh hoạt chuyên môn tại đơn vị, ngoài nỗ lực cá nhân cán bộ thì tạo điều kiện cho cán bộ học tin học, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ có trình độ chuyên môn sau. 

Về tuyển dụng cán bộ công chức, cần khách quan, công bằng, chính xác, chọn được người có thực tài. Về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cần kiện toàn đúng tiêu chuẩn, quan trọng là lựa chọn được người có đức có tài, kiên quyết chống chạy chức chạy quyền, lợi ích nhóm. Về xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, Thứ trưởng nhấn mạnh các đơn vị cần chủ động xây dựng nguồn cán bộ kế cận với cơ cấu hợp lý về độ tuổi, giới tính.

Khẳng định khâu đánh giá cán bộ là trọng yếu, Thứ trưởng quan niệm phải đầu tư cho khâu này bởi nếu đánh giá cán bộ không xứng đáng sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu, không tinh giản được đội ngũ. Thực hiện chức năng thẩm định, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị xây dựng pháp luật tham gia tích cực vào quá trình xây dựng văn bản, như Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cần tham gia vào quá trình sửa đổi, bổ sung 2 đạo luật quan trọng là Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Với Nghị quyết 27, theo Thứ trưởng, để tăng lương, bổ sung nguồn thu thì phải thực hiện tinh giản biên chế. Từ đó, Cục Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Bộ cần tham mưu đầy đủ cho Lãnh đạo Bộ về chi trả tiền lương, tiền làm ngoài giờ, thu nhập tăng thêm… trên tinh thần “không cào bằng”. Các đơn vị sự nghiệp công lập cần đẩy nhanh lộ trình tự chủ tài chính để tăng thu nhập cho cán bộ và hỗ trợ thêm cho Bộ.

Với Nghị quyết 28, bên cạnh yêu cầu quán triệt Nghị quyết, tăng cường thông tin tuyên truyền thì Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan tham mưu đầy đủ thực hiện chính sách của Nghị quyết, hạn chế tình trạng nợ bảo hiểm xã hội và tham gia đầy đủ quá trình xây dựng pháp luật triển khai các chủ trương, chính sách của Nghị quyết.

Đọc thêm