Rất cần thiết phải có giai đoạn xây dựng chính sách trong xây dựng luật, pháp lệnh

(PLO) - Chiều qua (3/7), tại Bộ Tư pháp đã diễn ra Phiên họp thứ 3 của Hội đồng Tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp để cho ý kiến đối với Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hợp nhất. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì Phiên họp.
Bộ trưởng phát biểu tại Phiên họp thứ 3
Bộ trưởng phát biểu tại Phiên họp thứ 3
Làm chính sách sẽ thoát cảnh “làm văn tập thể”
Nhấn mạnh về sự cần thiết xây dựng Dự luật này, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến – Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật hợp nhất – cho biết: Việc hợp nhất 2 Luật Ban hành VBQPPL năm 2004 và năm 2008 là tạo một khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất về ban hành VBQPPL từ Trung ương đến địa phương, có như vậy mới xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả. 
Để bảo đảm mục tiêu trên, nâng cao chất lượng VBQPPL, Dự thảo Luật tính đến việc tách bạch quy trình xây dựng, thông qua chính sách với quy trình soạn thảo văn bản, sao cho không còn tình trạng “vừa soạn thảo luật vừa phải xây dựng chính sách”.
Theo đó, cơ quan đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nghiên cứu xây dựng, phân tích chính sách, đánh giá tác động chi tiết từng chính sách; lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Nội dung của đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh sẽ chính là chính sách chi tiết của dự án luật, pháp lệnh. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được Chính phủ thông qua với các chính sách cụ thể sẽ được gửi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến. 
Đối với đề nghị xây dựng pháp lệnh thì UBTVQH sẽ thông qua đề nghị với các chính sách cụ thể dự kiến sẽ quy định trong pháp lệnh và quyết định thời gian trình dự thảo pháp lệnh. Đối với đề nghị xây dựng luật thì Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận thông qua các chính sách dự kiến sẽ quy định trong luật và đưa vào chương trình xây dựng luật hàng năm.
Với quy trình thông qua chính sách trên sẽ đảm bảo Quốc hội thực hiện được từ sớm và đầy đủ việc quyết định, kiểm soát các chính sách trong các dự án luật thuộc thẩm quyền quy định của Quốc hội, đồng thời cũng đảm bảo tính khả thi cao hơn của các dự án luật được đưa vào chương trình hàng năm vì chính sách đã rõ, các điều kiện bảo đảm thi hành cũng được cả Chính phủ, Quốc hội xem xét, cân nhắc khi “đọc” chính sách. Việc thẩm tra lần thứ nhất của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng thuận lợi hơn vì sẽ tập trung vào tham vấn, thảo luận các nội dung chính sách mà không phải “làm văn tập thể” với toàn bộ dự thảo luật phức tạp.
Hoạch định chính sách chỉ nên “dừng lại” ở Chính phủ
Một số thành viên Hội đồng đã tư vấn: Việc nghiên cứu xây dựng, phân tích chính sách, đánh giá tác động chi tiết từng chính sách chỉ dừng lại ở Chính phủ. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng bày tỏ băn khoăn với quy định Quốc hội sẽ thông qua chính sách dự kiến sẽ quy định trong luật vì theo ông, kinh nghiệm của các nước cho thấy công việc này thuộc cơ quan hành pháp. 
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn cho rằng, Quốc hội làm chính sách trước sẽ khiến “Chính phủ lười, chỉ loanh quanh mấy luật của mình” và từ đó đề nghị khâu xây dựng chính sách chỉ nên có trong giai đoạn chuẩn bị của Chính phủ. 
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ còn đặt câu hỏi: “Giai đoạn xây dựng chính sách cũng đòi hỏi lấy ý kiến nhân dân thì có khả thi không, hay sẽ làm cho việc xây dựng, ban hành VBQPPL chậm hơn cả hiện nay?”.
Chuyên gia cao cấp của Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường phân tích cụ thể hơn: Hiến pháp năm 2013 đã phân công mạch lạc quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Chính phủ thực hiện quyền hành pháp thì đó là cơ quan quản lý, hoạch định, trình chính sách nên việc xây dựng chính sách chỉ dừng lại ở giai đoạn của Chính phủ. “Có thế mới nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, không triệt tiêu tính năng động, chủ động của Chính phủ. Chính phủ phải bảo vệ chính sách đã trình như thế nào để tránh việc dựa dẫm, ỷ lại” – ông Đường nhấn mạnh. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, theo Khoản 2 Điều 96 Hiến pháp năm 2013, một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ là đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, UBTVQH quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định. Như vậy, theo Bộ trưởng, rất cần thiết phải có giai đoạn xây dựng chính sách trong quá trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm trước khi tiến hành soạn thảo.
Sẽ bồi thường do ban hành văn bản quy định chi tiết chậm hoặc sai?
Khoản 2 Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Do đó, Dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm bồi thường do ban hành văn bản quy định chi tiết chậm hoặc sai gây ra nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, thể hiện sự “sòng phẳng” của Nhà nước với Nhân dân. Tuy nhiên, nhiều thành viên Hội đồng nêu ý kiến rằng trong giai đoạn hiện nay, quy định vấn đề này là không có ý nghĩa, chỉ khi nào mở rộng thẩm quyền phán xét của Tòa án thì hãy tính đến trách nhiệm bồi thường do ban hành văn bản quy định chi tiết chậm hoặc sai. 

Đọc thêm