Rút ngắn thời gian thi hành án: Cần quy định hợp lý các thủ tục hành chính

(PLO) - Hệ thống thủ tục hành chính trong các lĩnh vực THADS hiện nay cơ bản đã đảm bảo về số lượng, phản ánh khá đầy đủ các giao dịch hành chính giữa cơ quan THADS với các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, vẫn còn một số thủ tục hành chính (TTHC) được quy định chưa hợp lý, việc xác minh số tiền trong tài khoản của người phải thi hành án gặp khó khăn, một số trường hợp người được thi hành án lợi dụng việc thỏa thuận để kéo dài thời gian thi hành án…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cần rút ngắn thời gian thực hiện một số thủ tục

Cụ thể, về thủ tục đề nghị ưu tiên mua tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, khoản 3 Điều 74 Luật THADS quy định thời hạn ưu tiên mua tài sản chung của chủ sở hữu chung là 3 tháng đối với bất động sản, 1 tháng đối với động sản. Nhiều ý kiến cho rằng quy định thời gian như vậy là quá dài, ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành án và quyền lợi của người được thi hành án.

Ngoài ra, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về việc Chấp hành viên (CHV) lập hợp đồng mua bán phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác và tính pháp lý của hợp đồng này. Do đó, cần nghiên cứu xem xét rút ngắn thời hạn ưu tiên mua tài sản chung của chủ sở hữu chung xuống còn 30 ngày đối với bất động sản, 15 ngày đối với động sản; đối với lần bán tiếp theo là 10 ngày kể từ ngày thông báo hợp lệ.

Liên quan tới thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, khoản 1 Điều 66 Luật THADS quy định CHV áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án khi đương sự yêu cầu mà không quy định cụ thể thời gian dẫn tới cách làm không thống nhất, gây khó khăn trong quản lý.

Theo khoản 2 Điều 66 Luật THADS, đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc người thứ ba thì phải bồi thường nhưng lại chưa quy định việc đương sự phải nộp tiền, tài sản để đảm bảo việc bồi thường nếu xảy ra thiệt hại.

Vì vậy, cần quy định khi đương sự yêu cầu CHV áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì phải nộp khoản tiền, tài sản có giá trị tương ứng trên số tiền, tài sản yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm.

Còn tại khoản 3 Điều 67 Luật THADS quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, CHV phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định. Tuy nhiên, thời hạn này là quá dài, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người được thi hành án hoặc người bị áp dụng biện pháp phong tỏa trong trường hợp họ không phải người thi hành án.

Để đảm bảo thời gian thi hành án, đối với trường hợp phong tỏa tài khoản nên tiến hành phong tỏa ngay mà không cần xác định rõ số tiền. Nếu trong tài khoản có tiền thì thực hiện việc khấu trừ số tiền tương ứng với nghĩa vụ thi hành án trong thời hạn 10 ngày. Nếu tài khoản không có tiền thì phong tỏa số tiền phát sinh sau này và có văn bản đề nghị Ngân hàng thông báo khi có số dư phát sinh để cơ quan thi hành án xử lý.

Đồng thời cần có quy định về cơ chế phong tỏa, trường hợp có tài sản thì xử lý, trong thời gian 24 giờ mà cơ quan THADS không xử lý thì người phải thi hành án được phép thực hiện quyền của mình đối với tài khoản đó. 

Quy định cụ thể việc áp dụng cưỡng chế với tài sản đặc thù

Về thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, thực tế cho thấy có những tài sản mà pháp luật quy định được cưỡng chế để thi hành án nhưng việc áp dụng rất khó khăn, phức tạp như tài sản là các loại tàu, thuyền trên biển, tài sản là vốn góp, nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp… Việc kê biên tài sản của người phải thi hành án còn gặp nhiều khó khăn, phát sinh nhiều hậu quả pháp lý do tài sản chuyển dịch qua nhiều người, các khoản nghĩa vụ tài chính phát sinh trong quá trình chuyển dịch chưa có phương án xử lý. 

Để giải quyết vướng mắc này, cần bổ sung quy định cụ thể về áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với các loại tài sản đặc thù nêu trên. Đồng thời quy định CHV tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu và chỉ kê biên tài sản chuyển dịch sau khi bản án, quyết định có hiệu lực khi chưa làm thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận, giấy đăng ký.

Ngoài ra, thủ tục yêu cầu nhận tài sản đã kê biên để trừ vào tiền được thi hành án hiện nay còn chưa rõ về trình tự, thời hạn để người được thi hành án và người phải thi hành thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; trình tự thực hiện còn nhiều thông báo rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho CHV.

Kết quả thực hiện thủ tục không có hợp đồng mua bán tài sản như những hồ sơ chuyển quyền sở hữu thông thường nên người nhận tài sản khó khăn trong thực hiện quyền chuyển sử dụng, sở hữu tài sản tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Các khoản chi phí bán đấu giá, án phí, thẩm định giá… phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án cũng chưa nêu rõ là trừ vào số tiền nào và của ai. Do đó, thực tế CHV khấu trừ tất cả các khoản tiền đó vào tiền nhận tài sản. 

Do vậy, cần xây dựng quy trình thông báo một lần về quy trình và thủ tục cho đương sự biết các quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện theo quy định pháp luật. Từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì tài sản được giao cho người được thi hành án để trừ vào số tiền được thi hành án.

Đọc thêm