Rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án

(PLVN) - Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đã đưa ra mục tiêu cụ thể về nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng, trong đó có hoạt động thi hành án dân sự (THADS) từ 400 ngày xuống 300 ngày trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, thời gian trung bình thực thi phán quyết của tòa án trong năm 2016 là 150 ngày và thời gian phá sản kéo dài đến 5 năm. Thứ hạng của Việt Nam trong khối ASEAN còn khiêm tốn, xếp 6/10 về thời gian thi hành án (THA) và 8/10 trong hiệu quả phá sản doanh nghiệp.

Điều đáng lưu ý là từ năm 2010 đến nay, thời gian THA (150 ngày) tại Việt Nam không có bất cứ thay đổi và cải thiện đáng kể nào. Chính sự kéo dài, trì hoãn trong thực thi công lý dẫn đến thứ hạng còn thấp trong xếp hạng tín nhiệm của các nền kinh tế thế giới. Do đó, một trong những thách thức lớn đang đặt ra đối với công tác THADS hiện nay là việc rút ngắn thời gian tổ chức THA. Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như:

Giảm tải các loại văn bản cần thông báo trong THADS: Trong quá trình tổ chức THA, có rất nhiều các loại văn bản cần thông báo cho đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy chưa có thống kê cụ thể về số lượng các loại văn bản cần thông báo nhưng thực tiễn cho thấy một hồ sơ THADS (01 việc) Chấp hành viên phải tống đạt ít nhất hai loại văn bản là Quyết định THA và giấy triệu tập. Trường hợp chỉ có hai đương sự (01 người phải THA; 01 người được THA) thì ít nhất cũng phải tống đạt bốn văn bản. Việc này sẽ tăng lên khi số đương sự, người liên quan nhiều và tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc. Mặc dù chưa có thống kê chính thức về việc tống đạt của một chấp hành viên là bao nhiêu văn bản trên một năm.

Tuy nhiên, có thể bình quân ở mức thấp nhất cho một Chấp hành viên là khoảng 230 việc (số liệu bình quân của cả nước năm 2018)/01 Chấp hành viên nhân với 04 văn bản (ở mức độ thấp) bằng 920 văn bản/năm (tương đương với số lượng tống đạt là hơn hai văn bản/ngày/Chấp hành viên, chưa trừ ngày lễ, thứ Bảy và Chủ nhật). Như vậy có thể thấy số lượng công việc tống đạt, thông báo cũng đã và đang ở mức báo động. 

Trong điều kiện việc công nghệ thông tin (CNTT) đang được phát triển mạnh mẽ hiện nay, phần lớn người dân đã sử dụng mạng internet, máy tính, điện thoại thông minh,... thì việc đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào thông báo THA là rất cần thiết. Việc quy định thông báo về THADS thông qua ứng dụng CNTT trong Luật THADS sẽ tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cho việc đẩy nhanh các thủ tục, rút ngắn thời gian THA.

Theo phản ánh của nhiều cơ quan THADS, quy định về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực THADS đang bị hành chính hóa, làm giảm đáng kể hiệu quả công tác THA. Ví dụ, các bước định giá, bán đấu giá hiện nay vẫn còn chiếm nhiều thời gian. Việc xác định mốc “giảm giá bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế” (Điều 104 Luật THADS) là quá dài, nhất là đối với những tài sản có giá trị lớn. Do đó cần quy định khống chế về số lần bán đấu giá, hạ giá tài sản để có thể nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc THA.

Đối với các thủ tục hành chính khác, cần cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh cơ chế một cửa trong lĩnh vực THADS như giảm bớt hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu, điều kiện không hợp lý hoặc rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục. 

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực hiện các thủ tục THADS. Ngay từ giai đoạn nhận bản án, quyết định từ Tòa án, trọng tài thương mại (như nhận chuyển giao qua phần mềm chuyển giao bản án, quyết định) hoặc bổ sung quy định về hình thức yêu cầu THA trực tuyến, rút ngắn quá trình ra quyết định THA. Khuyến khích thực hiện thanh toán tiền, trả lại tiền, tài sản THA bằng chuyển khoản, ứng dụng CNTT vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm sát, giám sát trong THADS; quản lý, xử lý tang vật; quản lý cán bộ THADS; thống kê, báo cáo và quản lý, xử lý dữ liệu về THADS...

Cạnh đó, cần giảm bớt một số loại giấy tờ trong hồ sơ THA. Trong một hồ sơ THA, có rất nhiều giấy tờ phải lưu giữ như: Quyết định THA, bản án, phiếu xác định tiền, tài sản, biên lai, phiếu thu, bảng kê nhập ngân sách, báo cáo đối chiếu kết quả THA, thông báo thi hành xong…v.v. Thời gian để hoàn thiện các loại văn bản, giấy tờ này chiếm rất nhiều thời gian tác nghiệp của Chấp hành viên và lãng phí ngân sách. Do đó nên có sự rà soát lại các loại giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ và các giấy tờ không cần thiết, hạn chế tối đa việc in ấn, thiết lập văn bản, giảm tải công việc cho Chấp hành viên.

Đọc thêm