Sáng kiến tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên thời 4.0

(PLVN) - Được đầu tư công phu cùng với điểm sáng là ứng dụng công nghệ thông tin, sáng kiến “Xây dựng hệ thống Website điện tử của Đoàn Thanh niên góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đoàn viên, thanh niên Trường ĐH Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân” của nhóm tác giả “Sáng tạo trẻ”, đã xuất sắc vượt qua hơn 10.000 bài dự thi để giành giải Nhất cuộc thi “Sáng kiến, mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh, thiếu niên”.
Đại diện nhóm “Sáng tạo trẻ” bên công trình dự thi đạt giải Nhất.
Đại diện nhóm “Sáng tạo trẻ” bên công trình dự thi đạt giải Nhất.

Pháp luật là công cụ đặc biệt quan trọng của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, thiết lập và duy trì trật tự xã hội đảm bảo có nền nếp, kỷ cương. Để pháp luật thực sự đi sâu vào cuộc sống, đòi hỏi các cấp, các ngành phải thường xuyên quan tâm, làm tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên để họ hiểu biết và nắm chắc nội dung pháp luật.  

Từ thực tiễn công tác PBGDPL nói chung và công tác PBGDPL tại Trường ĐH Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân nói riêng, với ưu thế của một cơ sở đào tạo cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ, hậu cần của ngành Công an, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhóm dự thi đã đồng sức, đồng lòng đưa ra ý tưởng sáng kiến “Xây dựng hệ thống website điện tử của Đoàn Thanh niên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên Trường ĐH Kỹ thuật – Hậu cần CAND”. Mô hình này có tính phổ biến cao, phù hợp, khả thi và đem lại hiệu quả tích cực và có khả năng nhân rộng trên nhiều địa bàn, mang lại những kết quả khả quan.

Trên cơ sở nhận thức chung và phản ánh thực trạng công tác PBGDPL tại Trường, nhóm tác giả tập trung phân tích, đánh giá hiệu quả của sáng kiến, mô hình PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên qua hệ thống website điện tử.

Theo đó, giao diện của website sẽ có các chuyên mục chính như: giới thiệu chung về Trường ĐH Kỹ thuật – Hậu cần CAND; tin tức, sự kiện về hoạt động của Đoàn Thanh niên nhà trường; giới thiệu, cập nhật các văn bản pháp luật; lấy ý kiến của học viên về các quy định pháp luật mới… Từ đó nâng cao tính tập hợp gắn bó, đoàn kết thân thiết của các đoàn viên, thanh niên, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của họ đối với các vấn đề pháp lý và hoạt động của nhà trường.

Với tính khả thi và ý nghĩa thiết thực đó, sáng kiến này đã xuất sắc vượt qua hơn 10.000 bài dự thi để giành giải Nhất và giải phụ cho công trình dự thi công phu nhất trong cuộc thi “Sáng kiến, mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh, thiếu niên” do Bộ Tư pháp tổ chức và tổng kết trao giải mới đây. Đây là cuộc thi có sức lan tỏa mạnh mẽ, đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, người dân đến từ mọi miền đất nước.

Không giấu được niềm vui và vinh dự tại lễ trao giải, tác giả Nguyễn Văn Thắng, đại diện cho nhóm “Sáng tạo trẻ”, Đoàn Thanh niên Trường ĐH Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân chia sẻ: “Việc tham gia cuộc thi lần này đã mang lại cho chúng tôi cơ hội được học hỏi, giao lưu, tìm hiểu về các mô hình, sáng kiến trong công tác PBGDPL cho đối tượng thanh, thiếu niên.

Đặc biệt là các mô hình, sáng kiến để nâng cao hiệu quả PBGDPL hướng tới các đối tượng đặc thù như: thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật; thanh, thiếu niên là người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, thanh, thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số… Đây là những cách thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả và có tính ứng dụng đối với các đối tượng đặc thù rất đáng ghi nhận”.

Ngoài ra, tác giả trẻ này cũng nhận định công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên hiện nay vẫn còn những hạn chế như chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến còn chưa đa dạng; mức độ phổ biến chưa sâu, chưa thu hút được sự chú ý của thanh, thiếu niên; nhân lực, nguồn kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác này còn hạn hẹp…

Từ đó, dẫn đến hiệu quả công tác này chưa cao, tình trạng giới trẻ phạm tội và vi phạm pháp luật ngày càng diễn biến phức tạp. Một bộ phận thanh, thiếu niên do thiếu hiểu biết pháp luật đã thực hiện các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật kém, có biểu hiện coi thường pháp luật, thiếu hiểu biết, chạy theo đám đông, bất chấp pháp luật.

“Trong bối cảnh đó, cần sớm tìm ra các giải pháp mang tính tổng thể và chi tiết để góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL đối với mọi người nói chung và đối với thanh, thiếu niên nói riêng, đặc biệt cần kịp thời phát hiện, nhân rộng các cách làm hay, mô hình PBGDPL hiệu quả để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong toàn xã hội”, tác giả Nguyễn Văn Thắng chia sẻ thêm.

Đọc thêm