Sẽ bổ sung một số hình thức xử phạt hành chính mới

(PLVN) - Ngày 31/7, Trưởng Ban soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Tuy mới chỉ là phiên họp lần thứ nhất nhưng nhiều vấn đề mà Tổ biên tập đề xuất đã được bàn thảo sôi nổi.

Thu hồi vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe nếu uống rượu bia

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật Nguyễn Thanh Hà trình bày một số vấn đề cần tập trung thảo luận. Trong đó, có dự kiến bổ sung các hình thức xử phạt mới. Theo bà Hà, qua thực tiễn triển khai thi hành Luật, nhiều ý kiến kiến nghị bổ sung một số hình thức xử phạt cho phù hợp với thực tiễn và các lĩnh vực chuyên ngành đặc thù. Ví dụ như tước hoặc thu hồi vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (để xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực an toàn giao thông); buộc lao động phục vụ cộng đồng.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Dương Thành Bắc chỉ ra rằng sau khi Luật XLVPHC được ban hành có nhiều đạo luật khác liên quan cũng ra đời song mức độ tương thích còn những vấn đề phải bàn. Chẳng hạn về quan điểm mức phạt cao nhất của hành chính phải thấp hơn mức thấp nhất của hình sự, ông Bắc dẫn chứng có những hình thức xử phạt rất nhẹ, không khác gì “gãi ngứa” như chứng khoán. “Vi phạm chứng khoán rất là lớn nhưng xử phạt vi phạm rất là nhỏ, chỉ vài chục triệu so với lợi nhuận hàng tỷ đồng” – ông Bắc nói và đề nghị nếu được thì trong lần sửa đổi này kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan trong các luật này. 

Tán thành việc các hình thức xử phạt mới, ông Bắc nhắc đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia bởi dư luận đánh giá về Luật này là không khả thi do không có chế tài, chỉ mang tính khẩu hiệu. “Cần có biện pháp phù hợp, phù hợp như thế nào thì tiếp tục nghiên cứu bổ sung, như tước hoặc thu hồi vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe thì tôi đồng tình. Thực ra, đây không phải vấn đề mới mà chúng ta đã nâng lên đặt xuống rất nhiều. Thời gian tới, cần quy định sao cho đảm bảo tính răn đe” – ông Bắc kiến nghị.

Bên cạnh một số ý kiến đồng ý với đề xuất của Tổ biên tập, ông Trương Khánh Hoàn (Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp) lại đề nghị cân nhắc. Ông Hoàn phân tích, tước hoặc thu hồi vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép chỉ trong mỗi lĩnh vực giao thông hay mở rộng cả các lĩnh vực khác, muốn áp dụng hình thức nàyphải có điều kiện. Ngay cả trong lĩnh vực giao thông, nêu gây hậu quả nghiêm trọng thì đã phải xử lý hình sự rồi. Về buộc lao động phục vụ cộng đồng, ông Hoàn cho rằng, khi đưa ra cần phải rõ việc sẽ tổ chức thi hành thế nào, người/cơ quan nào giám sát, đặc biệt có thể vi phạm công ước quốc tế về lao động cưỡng bức.

Tính toán quy định về tính đặc thù cho địa phương

Ngoài ra, Thường trực Tổ biên tập cũng báo cáo một số vấn đề cần xin ý kiến Ban soạn thảo như việc bổ sung thẩm quyền xử phạt cho các chức danh mới chưa được quy định trong Luật XLVPHC; về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC; về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du kiến nghị lần sửa đổi này tập trung sâu hơn về thời hiệu ra quyết định xử phạt VPHC để người có thẩm quyền có căn cứ áp dụng
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du kiến nghị lần sửa đổi này tập trung sâu hơn về thời hiệu ra quyết định xử phạt VPHC để người có thẩm quyền có căn cứ áp dụng
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết một thực trạng hiện nay là người có thẩm quyền XLVPHC nếu căn cứ biên bản VPHC để ra quyết định thì hầu hết là quá thời hiệu xử lý. Do vậy, Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong những trường hợp VPHC mà không xử lý được vi phạm do hết thời hiệu hoặc chưa tính đến thời hiệu; trường hợp lập biên bản VPHC nhưng người có thẩm quyền còn phải báo cáo, xác minh, giám định mới có thể xem xét ra quyết định xử phạt… Vì vậy, ông Du kiến nghị lần sửa đổi này tập trung sâu hơn về thời hiệu ra quyết định xử phạt VPHC, lập biên bản… để người có thẩm quyền có căn cứ áp dụng. 

Cũng liên quan đến một quy định về thời hiệu đang phát sinh vướng mắc, ông Du đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 65 Luật XLVPHC. Điều khoản này quy định, khi hết thời hiệu xử phạt VPHC thì người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt nhưng được ra quyết định: tịch thu vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật VPHC thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao các nội dung đề xuất của Tổ biên tập.
Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao các nội dung đề xuất của Tổ biên tập.

Nêu 3 vấn đề lớn về lý luận cần tiếp tục nghiên cứu một cách tổng thể, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao các nội dung đề xuất của Tổ biên tập. Theo đó, Bộ trưởng cơ bản nhất trí với việc bổ sung một số hình thức xử phạt mới hay phải có biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC để tăng cường nghiêm minh, kỷ cương. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu nghiên cứu thêm về thẩm quyền xử phạt của Kiểm toán Nhà nước hay quy định bổ sung thẩm quyền xử phạt cho các chức danh ở mức nào là phù hợp.

Dẫn chứng quá trình xây dựng Luật Thủ đô khi đó Hà Nội đề xuất được có một số quy định đặc thù đã gây nên nhiều quan điểm khác nhau, Bộ trưởng đề nghị Luật XLVPHC sẽ quy định ra sao về đặc thù của địa phương, dừng ở mức nào để xử lý được các vấn đề thực tiễn. Cùng với đó là nghiên cứu xử lý ra sao với thực trạng ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn cho phép nhưng đối tượng bị phạt có khiếu nại và vì lý do nào đấy, người bị khiếu nại không nhận được, đến lúc nhận được khiếu nại thì buộc phải xem xét lại, dẫn đến tồn rất nhiều quyết định xử phạt chưa được thi hành.

Đọc thêm