Sẽ chủ động công khai thông tin về biện pháp bảo đảm

(PLO) - Để phù hợp với các quy định mới về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm trong Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như các quy định liên quan trong một số đạo luật khác, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm và được kỳ vọng khắc phục những hạn chế, tồn tại của công tác đăng ký biện pháp bảo đảm hiện nay, trong đó hướng đến mục tiêu chủ động công khai thông tin về biện pháp bảo đảm.
Cán bộ đăng ký tiếp nhận hồ sơ yêu cầu.
Cán bộ đăng ký tiếp nhận hồ sơ yêu cầu.

Hợp đồng mua bán có bảo lưu quyền sở hữu được thể chế hóa

So với Nghị định số 83, Dự thảo Nghị định tách bạch rõ hai trường hợp đăng ký là trường hợp phải đăng ký và trường hợp đăng theo yêu cầu. Cụ thể, đối tượng bắt buộc phải đăng ký bao gồm thế chấp quyền sử dụng đất; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển. Đối tượng đăng ký biện pháp bảo đảm được đăng ký theo yêu cầu gồm thế chấp động sản trừ tàu bay, tàu biển; thế chấp tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; bảo lưu quyền sở hữu; các trường hợp khác. 

Theo quy định này thì bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm mới được quy định tại Điều 331 đến Điều 334 Bộ luật Dân sự năm 2015. Thực tế, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đang tiến hành đăng ký bảo lưu quyền sở hữu dưới hình thức đăng ký hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán trên cơ sở quy định của khoản 2 Điều 13 Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm và Thông tư số 05/2011/TT-BTP.

Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015, bảo lưu quyền sở hữu được coi là một biện pháp bảo đảm, chứ không dừng lại ở hình thức hợp đồng mua bán có bảo lưu quyền sở hữu như trên. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nêu rõ: “bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”. 

Bởi thế, để đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện, Dự thảo Nghị định quy định việc đăng ký thế chấp tài sản khác, bảo lưu quyền sở hữu được thực hiện trên cơ sở tự kê khai trong hồ sơ yêu cầu đăng ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, tính trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ yêu cầu đăng ký. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thủ tục, hồ sơ đăng ký bảo lưu quyền sở hữu bằng động sản, tạo cơ sở pháp lý cho cá nhân, pháp nhân có yêu cầu đăng ký biện pháp này theo tinh thần của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thực hiện công khai từng bước

Tại cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị định diễn ra mới đây dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, đa số các ý kiến đều đồng tình sự cần thiết ban hành Nghị định, trong đó có bổ sung quy định điều chỉnh biện pháp bảo lưu quyền sở hữu để bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Dân sự năm 2013 và nhiều đạo luật khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Một vấn đề nữa cũng nhận được nhiều quan tâm là việc chủ động công khai thông tin về biện pháp bảo đảm.

Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Phạm Tuấn Ngọc cho biết, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, một số ý kiến đề nghị mở rộng việc chủ động công bố công khai thông tin cho tất cả các lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, đơn vị thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm trong cập nhật,, trao đổi thông tin một cách kịp thời. Việc làm này sẽ giúp cho tổ chức, cá nhân có được một cơ sở thông tin đầy đủ, toàn diện, đáng tin cậy trước khi xem xét làm các giao dịch dân sự, kinh tế.

Tuy nhiên, qua thực tiễn, trong 4 loại tài sản bảo đảm gồm tàu bay, tàu biển, động sản khác, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì thông tin thuộc lĩnh vực đăng ký thế chấp nhà ở, dự án xây dựng công trình… là lĩnh vực thông tin có nguy cơ phát sinh nhiều rủi ro, tranh chấp nhất. Đây cũng là lĩnh vực mà nếu cơ sở dữ liệu về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm không được quản lý, tổng hợp và công khai, minh bạch sẽ có nguy cơ phát sinh thủ tục xin – cho trong cơ chế tiếp cận thông tin. 

Do vậy, để đảm bảo tính khả thi trong quy định chủ động cung cấp thông tin, theo một số chuyên gia như Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy hay đại diện Văn phòng Chính phủ, trước mắt Dự thảo Nghị định chỉ nên tập trung trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm đối với thông tin về thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án xây dựng công trình mà chưa mở rộng ra tất cả các lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm khác.

Ông Ngọc chia sẻ, hiện Dự thảo Nghị định cũng được thiết kế theo loại ý kiến này. Bên cạnh đó, ông Ngọc cho biết các thông tin thuộc các lĩnh vực tài sản khác như tàu bay, tàu biển, động sản sẽ được cung cấp trên cơ sở có yêu cầu và trên cơ sở tra cứu thông tin trong hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm đối với động sản hoặc hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến áp dụng đối với tàu biển, tàu bay khi hệ thống đăng ký trực tuyến đi vào hoạt động vào thời gian tới.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhất trí với sự cần thiết ban hành Dự thảo Nghị định nhưng đề nghị rà soát kỹ các quy định trong Dự thảo sao cho thống nhất với Bộ luật Dân sự và các đạo luật liên quan. Bàn về vấn đề chủ động công khai thông tin, Thứ trưởng cho rằng nên cân nhắc quy định này, tính tới việc chủ động công khai thông tin phải phù hợp với bí mật kinh doanh, bí mật đời tư và Luật Tiếp cận thông tin. Thứ trưởng gợi ý, có thể thay việc chủ động công khai thông tin bằng việc đơn giản hóa thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Đọc thêm