Sẽ có Bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức công chứng viên

(PLO) - Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức công chứng viên nhằm đưa ra được các tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng nhất cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghề nghiệp được đánh giá là rất quan trọng này. 
Công chứng là một nghề đặc thù, công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng...
Công chứng là một nghề đặc thù, công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng...
Ngày càng tăng về số lượng và chất lượng
Theo thống kê của Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, sau hơn 7 năm thực hiện Luật Công chứng 2006, đội ngũ công chứng viên đang hành nghề tăng từ 393 lên 1.573 người (tăng 4 lần). Các tổ chức hành nghề công chứng (gồm các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng) phát triển mạnh mẽ (tăng gần 9,5 lần, từ 84 lên 797 tổ chức), số lượng Phòng công chứng là 143 Phòng với khoảng 465 công chứng viên, trong đó có khoảng 320 công chứng viên là viên chức. 
Đội ngũ công chứng viên không những tăng về số lượng mà chất lượng, tính chuyên nghiệp, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, đạo đức hành nghề công chứng được nâng cao rõ rệt. Về cơ bản, đội ngũ công chứng viên đã đáp ứng được nhu cầu công chứng ngày càng cao của nhân dân, bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, khẳng định được vị trí, vai trò của hoạt động công chứng trong đời sống xã hội. 
Tuy nhiên, hiện nay ngoài Quyết định số 27/2012/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với chấp hành viên, công chứng viên, thẩm tra viên và thư ký thi hành án, quy định công chứng viên được hưởng 15% phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì vẫn chưa có quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức công chứng viên. 
Nghề đặc thù, cần tiêu chuẩn đặc thù
Bộ Tư pháp khẳng định, công chứng là một nghề đặc thù, công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng, thậm chí đến suốt đời về văn bản công chứng. Công chứng viên được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, thay mặt Nhà nước trong hoạt động hành nghề của mình. 
Với tính chất là một nghề đặc thù như vậy, Dự thảo Thông tư quy định viên chức công chứng viên được phân loại thành ba hạng chức danh nghề nghiệp với cấp độ từ cao xuống thấp, gồm: viên chức công chứng viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng I, viên chức công chứng viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng II và viên chức công chứng viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng III. Mỗi hạng lại được quy định rất nhiều tiêu chuẩn cụ thể. 
Chẳng hạn, đối với viên chức công chứng viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng I, được xem là những công chứng viên “cao cấp”, thì ngoài nhiệm vụ chính theo Luật Công chứng, còn có nhiệm vụ chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, đề xuất kế hoạch, chương trình, sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động công chứng; đề xuất hướng giải quyết các hợp đồng, giao dịch và các nhiệm vụ có tính chất phức tạp; hướng dẫn viên chức công chứng viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng II và hạng III nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề công chứng; chủ trì hoặc tham gia xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu và giảng dạy nghề công chứng, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ công chứng; chủ động, tích cực nghiên cứu, phát hiện kịp thời và kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về công chứng; tham gia xây dựng thể chế, chính sách phát triển nghề công chứng, tích cực đóng góp cho sự phát triển của nghề công chứng... 
Về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, Dự thảo Thông tư quy định viên chức công chứng viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng I phải thực hiện nghiêm Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; thực hiện nghiêm nội quy, quy chế của Phòng công chứng nơi mình làm việc và điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên mà mình là thành viên; không vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên và những việc viên chức không được làm.  
Về tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng, Dự thảo Thông tư quy định viên chức công chứng viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng I phải có bằng cử nhân luật, có ít nhất 05 năm giữ chức danh nghề nghiệp hạng II, có chứng chỉ bồi dưỡng về chức danh nghề nghiệp hạng I theo nội dung, chương trình do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, có ngoại ngữ trình độ C hoặc tương đương trở lên và sử dụng thành thạo tin học văn phòng. 
Về tiêu chuẩn viên chức công chứng viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng II, Dự thảo Thông tư quy định có sự phân biệt rõ so với tiêu chuẩn viên chức công chứng viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng I. Ngoài những nhiệm vụ chính theo Luật Công chứng, viên chức công chứng viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng II có nhiệm vụ hướng dẫn viên chức công chứng viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng III nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề công chứng; tham gia giảng dạy, bồi dưỡng kỹ năng hành nghề, kiến thức nghề công chứng... 
Bộ Tư pháp nhận định việc xây dựng Bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức công chứng viên là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

Đọc thêm