Sẽ có chi nhánh Văn phòng Thừa phát lại?

(PLO) - Nghị định 61/CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh cũng như Nghị định 135/CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định 61 đều không quy định Văn phòng Thừa phát lại có thể mở chi nhánh hoặc đặt các điểm giao dịch. Tuy nhiên, với những địa bàn đặc thù thì quy định như trên có vẻ cứng nhắc.
Từ mô hình “điểm tiếp nhận hồ sơ”
Theo Nghị định 61/CP: “Văn phòng Thừa phát lại (TPL) có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính… Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành, chế độ tài chính của Văn phòng TPL thực hiện theo quy định của Nghị định này, trong trường hợp Nghị định này không quy định thì áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp”. Nghị định cũng quy định điều kiện cũng như thủ tục đăng ký hoạt động của Văn phòng TPL. Tuy nhiên, Nghị định 61 (và cả Nghị định 135 sau này) đều không quy định Văn phòng TPL được lập chi nhánh (hoặc một hình thức đại diện tương đương).
Trên thực tế, do hoạt động TPL mới đang triển khai thí điểm (tại 13 địa phương, trong đó có những địa phương đã lập nhiều văn phòng như TP.HCM thành lập 12 văn phòng, Hà Nội có 8 văn phòng, còn một số tỉnh hiện chỉ có 2- 3 văn phòng) nên việc lập các văn phòng chủ yếu mới chỉ ở các địa bàn kinh tế phát triển, lại không đồng đều. Do đó, vấn đề đặt ra là ở những địa bàn mà người dân có nhu cầu, TPL có thể đặt các điểm giao dịch để tiếp nhận hồ sơ hay không? 
Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình (Hà Nội) thì Văn phòng này đã mạnh dạn đặt các điểm tiếp nhận hồ sơ và tư vấn về TPL tại các địa bàn xa trung tâm. “Nói đơn giản như địa bàn của chúng tôi ở tận Mê Linh, để tống đạt một văn bản, riêng việc đi, về đã mất cả ngày trời, có cố gắng lắm cũng chỉ nhận tống đạt được khoảng 2 văn bản. Hay nếu người dân có yêu cầu mà buộc họ phải đến tận quận Ba Đình để được tư vấn thì vừa mất thời gian, vừa tốn kém. Cho nên chúng tôi tổ chức người phụ trách mạng lưới ở đó tiếp nhận và tư vấn cho dân. Những người phụ trách này đều có hiểu biết về TPL và làm theo chế độ khoán việc”, ông Lạng cho biết. Được biết, ở Hà Nội một số Văn phòng TPL cũng đang duy trì mô hình này.
Có thể lập đại diện ở các vùng khó khăn?
Là một tỉnh có địa bàn rộng, gồm cả miền núi, biên giới và hải đảo, trong khi đó toàn tỉnh hiện chỉ có 4 Văn phòng TPL, do đó để đảm bảo đúng thời gian cho việc lập vi bằng cũng như thực hiện tống đạt giấy tờ đối với Quảng Ninh cũng còn nhiều khó khăn. 
Trưởng Văn phòng TPL Cẩm Phả Trần Ngọc Toàn cho biết “Nhiều trường hợp chúng tôi đi tống đạt ở các huyện miền núi hay hải đảo có khi mất cả tuần, chưa kể nếu gặp bão hay biển động thì còn mắc kẹt lâu hơn. Tuy nhiên, cả việc lập vi bằng và tống đạt giấy tờ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thời gian”.
Thời gian ở đây đơn cử theo Nghị định 61/CP quy định về lập vi bằng thì trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày lập vi bằng, TPL phải gửi một bản  về Sở Tư pháp để đăng ký. Vậy những vi bằng không đảm bảo về thời gian thì giải quyết ra sao? 
Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đăng Vĩnh cho biết, vì điều kiện địa lý cách trở nên khi lập vi bằng, TPL phải chủ động gửi qua email để Sở Tư pháp thẩm định về nội dung trước, sau đó đăng ký cho kịp thời. Được biết ở Quảng Ninh, hiện nay do các Văn phòng đều chỉ có một trụ sở chính nên có nơi (như TP.Uông Bí) Thành ủy đã tạo điều kiện cho TPL ngồi tại Trung tâm hành chính công để tiếp nhận và hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ của TPL. Đây cũng là một hình thức để TPL đến gần dân hơn.
Trong tương lai xa, nhiều ý kiến đề nghị xem xét việc cho phép các Văn phòng TPL đặt đại diện ở các vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo hay các vùng có tính đặc thù khác để thực hiện kịp thời các nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm