Sẽ có Tổ tư vấn liên ngành về giám định tư pháp 'gỡ vướng' cho giải quyết án tham nhũng

(PLO) - Để đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn và trên cơ sở Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 250) thì cần thiết phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thành lập Tổ tư vấn liên ngành về GĐTP.
Sẽ có Tổ tư vấn liên ngành về giám định tư pháp để tham mưu giải quyết những án phức tạp. (ảnh minh họa)
Sẽ có Tổ tư vấn liên ngành về giám định tư pháp để tham mưu giải quyết những án phức tạp. (ảnh minh họa)

Tổ này sẽ làm nhiệm vụ tổng hợp, nghiên cứu tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GĐTP trong quá trình chỉ đạo, giải quyết án tham nhũng.

Góp phần giải quyết hiệu quả các vụ án trọng điểm

Trong những năm qua, chất lượng và hiệu quả hoạt động GĐTP đã được nâng lên một bước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng; quản lý nhà nước về hoạt động GĐTP có sự đổi mới, trong đó chú trọng tăng cường, phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành chủ quản và cơ quan tiến hành tố tụng nhằm tạo cơ chế “cộng đồng trách nhiệm” của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đối với công tác GĐTP. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động GĐTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc còn chậm tiến độ của một số vụ việc, vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận quan tâm. Đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc về GĐTP do các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương không thể thống nhất quan điểm trong quá trình xử lý, giải quyết vụ án, cần phải có sự chỉ đạo, giải quyết của Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, có những tồn tại, hạn chế về GĐTP cần có sự tham mưu của liên ngành tố tụng và Bộ Tư pháp để đề xuất giải pháp ở tầm vĩ mô phục vụ cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo giải quyết trong toàn quốc.

Vì vậy, Đề án 250 đã đề nghị VKSNDTC chủ trì nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền thành lập Tổ tư vấn liên ngành về GĐTP và là cơ quan thường trực của Tổ tư vấn liên ngành. Việc thành lập Tổ tư vấn liên ngành nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về GĐTP, bảo đảm đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu giám định của hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, phục vụ cho việc giải quyết có hiệu quả các vụ án trọng điểm, nhất là các án tham nhũng, kinh tế thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, bảo đảm tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc về GĐTP ở tầm vĩ mô, phục vụ cho việc chỉ đạo giải quyết án tham nhũng, kinh tế của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng…

Cần làm đúng nhiệm vụ được giao tại Đề án 250

Theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Vũ Văn Đoàn, về chức năng, Tổ tư vấn liên ngành về GĐTP làm đầu mối tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GĐTP trong quá trình chỉ đạo, giải quyết án tham nhũng. Tổ tư vấn liên ngành hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Còn về nhiệm vụ, quyền hạn, Tổ tư vấn liên ngành về GĐTP sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về vấn đề GĐTP trong các trường hợp sau: Tham vấn, cho ý kiến về vấn đề GĐTP trong quá trình chỉ đạo, giải quyết án tham nhũng, kinh tế lớn, trọng điểm thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo, nhất là những trường hợp còn quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương và cơ quan có liên quan về vấn đề GĐTP, cần có sự phán xử, phán quyết của Ban Nội chính Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, cơ quan tố tụng về ách tắc, hạn chế trong từng khâu trưng cầu, thực hiện giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định cần phải có sự kiểm điểm, đánh giá, xử lý; Tham mưu, đề xuất đường lối, các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc về GĐTP ở tầm vĩ mô, phục vụ cho việc chỉ đạo giải quyết án tham nhũng, kinh tế của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Quá trình tham vấn, các ý kiến đều đều tán thành sự cần thiết phải thành lập Tổ tư vấn liên ngành nhưng chưa thống nhất về cơ quan thường trực. Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn chỉ ra thực tiễn vừa qua rất nhiều vụ việc vướng ở khâu GĐTP nên liên ngành đã ban hành Thông tư 01/2017 về việc quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu GĐTP trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.

Với nhiệm vụ được giao trong Đề án 250, ông Phàn khẳng định VKSNDTC sẵn sàng nhận nhiệm vụ nhưng cho rằng nếu làm sẽ không hiệu quả bằng giao cho Ban Nội chính Trung ương. Bởi để giải quyết vướng mắc giữa liên ngành về GĐTP thì giao cho Ban Nội chính sẽ hợp lý hơn khi đây cũng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, có vụ việc nào sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo kịp thời.

Đại diện Ban Nội chính Trung ương thì đánh giá cao vai trò, vị trí của VKSNDTC là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp nên đảm nhận là phù hợp. Để “quyết” được cơ quan thường trực của Tổ tư vấn liên ngành, vị đại diện cho rằng cần thống nhất 3 vấn đề là vị trí, vai trò của công tác GĐTP, quá trình thực hiện có vướng mắc, khó khăn gì, cơ quan nào sẽ phù hợp.

Theo đó, công tác GĐTP rất quan trọng, nếu công tác này có vấn đề thì điều tra, truy tố, xét xử cũng khó khăn nên sự cần thiết thành lập Tổ tư vấn liên ngành là nhiệm vụ không thể lùi được. Chia sẻ lý lẽ phân tích được nêu trong việc chọn cơ quan thường trực, vị đại diện cho hay, nhiệm vụ này nằm trong mục nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về GĐTP, trong nội dung đó cũng nói Tổ tư vấn chỉ là đầu mối để tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu, không phải cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Bởi thế, với chức năng là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSNDTC làm sẽ là phù hợp, khi đầu vào của “truy tố” là “điều tra”, đầu ra “truy tố” là “xét xử”. Còn Ban Nội chính là cơ quan của Đảng, quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì Ban Nội chính cũng không biết được hồ sơ, không phát hiện kịp thời được như cơ quan tố tụng. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, Đề án 250 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP đã giao cho các cơ quan nhiệm vụ nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền thành lập Tổ tư vấn liên ngành về GĐTP. Tổ này gồm đại diện Ban Nội chính Trung ương, VKSNDTC, Bộ Công an, TANDTC, Bộ Tư pháp và đề nghị VKSNDTC là cơ quan thường trực.

Thứ trưởng nhấn mạnh chức năng của Tổ tư vấn liên ngành là làm đầu mối tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về GĐTP trong quá trình chỉ đạo, giải quyết án tham nhũng. Tán thành quan điểm Ban Nội chính là cơ quan của Đảng nên Thứ trưởng đề nghị trước mắt thống nhất triển khai theo đúng nhiệm vụ đã giao tại Đề án 250, trong quá trình triển khai mà gặp phải khó khăn, vướng mắc mới báo cáo lên Chính phủ. 

Đọc thêm