Sẽ gia hạn thêm 5 năm đăng ký giữ quốc tịch cho kiều bào

(PLO) - Thủ tướng Chính phủ  đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp và giao Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2014.
Chuẩn bị dự luật sửa đổi, bổ sung theo thủ tục rút gọn
Cụ thể, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao báo cáo và ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng, của lãnh đạo Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp về việc sửa đổi, bổ sung quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp trước mắt cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 13 theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, theo hướng gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thêm 5 năm (đến ngày 1/7/2019) đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam. 
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng ký văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam vào Chương trình của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII để xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao soạn thảo, trình Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2014 để Chính phủ xem xét, cho ý kiến; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an khẩn trương soạn thảo, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009, theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và thực hiện các công việc khác có liên quan.
Có giải pháp tích cực thúc đẩy gia hạn
Triển khai ý kiến kết luận của Thủ tướng, hôm qua (22/4), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc chuẩn bị Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, quy định về đăng ký giữ quốc tịch của Luật năm 2008 là quy định mới so với các Luật năm 1998 và năm 1988, nhằm góp phần giải quyết sự không rõ ràng về quốc tịch đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, giúp cho Nhà nước nắm bắt được tình trạng thực tế về quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 
Bộ trưởng cho biết, khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì được ghi vào Sổ đăng ký, nếu giấy tờ chứng minh rõ sẽ được ghi là có quốc tịch Việt Nam và về nguyên tắc sẽ được cấp hộ chiếu, song văn bản hướng dẫn Luật lại không giải quyết vấn đề này. 
Do vậy, theo Bộ trưởng, nên chăng Dự luật sửa đổi, bổ sung cũng cần ghi nhận lợi ích trên như một giải pháp tích cực để thúc đẩy gia hạn đăng ký giữ quốc tịch thêm 5 năm nữa kể từ ngày 1/7/2014. 
Thời gian tới, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Khoản 2 Điều 13, Khoản 3 Điều 26 và các nội dung khác của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. 
Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, trong đó có sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, tôn trọng quyền lựa chọn của người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đọc thêm