Sẽ luật hóa việc bảo vệ thông tin cá nhân

(PLO) - Mặc dù đã được ghi nhận từ lâu song những quy định pháp luật cụ thể về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân vẫn đang còn thiếu vắng ở Việt Nam. Trong bối cảnh của thời đại thông tin ngày nay, vấn đề này càng trở nên cấp thiết và đây cũng là cơ sở để Bộ Tư pháp xúc tiến nghiên cứu đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ thông tin cá nhân.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vô tư xâm phạm quyền riêng tư

Khai thác các câu chuyện riêng tư, đặc biệt là chuyện tình yêu, tình dục và tài chính của người khác (chủ yếu là những người nổi tiếng), hiện là một trong những công việc chính của nhiều tờ báo và trang mạng. Bí mật cá nhân của nhiều người trở thành đề tài đàm tiếu của cả một cộng đồng, đôi khi còn bị “ném đá tơi tả”. Hay chuyện về độ tuổi của Nguyễn Công Phượng gây “sốt” dư luận gần 2 năm trước đây cũng là một ví dụ cho thấy quyền riêng tư của một cá nhân dễ dàng bị xâm phạm. Nhiều bài viết, phóng sự, nhất là chương trình Chuyển động 24h của Đài Truyền hình Việt Nam đã khai thác triệt để các thông tin cá nhân của Công Phượng…

Trên thực tế thì hệ thống pháp luật Việt Nam đã ghi nhận vấn đề bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và bí mật cá nhân từ bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và mới nhất là Hiến pháp năm 2013. Việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và bí mật thông tin của cá nhân đã được Nhà nước Việt Nam công nhận và bảo vệ thông qua quy định về bảo đảm an toàn và bí mật đối với thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Trong đó, Hiến pháp năm 2013 (Điều 21, Điều 22) đã mở rộng một cách toàn diện phạm vi quy định quyền được bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. 

Thể chế hóa các bản Hiến pháp trên, các đạo luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng Hành chính… và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác đều đã có nhiều quy định cụ thể hóa, tạo nên một hệ thống quy định pháp luật bảo vệ quyền bí mật đối với thông tin cá nhân của công dân.

Tuy nhiên, với sự mở rộng của Hiến pháp năm 2013, kết quả rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành về các quy định liên quan đến bảo vệ bí mật cá nhân cho thấy, hệ thống pháp luật quy định về vấn đề này còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, chưa có văn bản nào quy định khái niệm về bí mật cá nhân; chưa làm rõ “bí mật đời sống riêng tư”, “bí mật cá nhân”, “bí mật gia đình” gồm những nội dung gì, phạm vi đến đâu… 

Cần bảo vệ quyền nhân thân bất khả xâm phạm

Vì thế, đã đến lúc cần hoàn thiện pháp luật về quyền được bảo vệ đời tư, bảo vệ bí mật cá nhân nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho việc chống xâm hại đến quyền này của công dân bởi đây là một trong những quyền nhân thân quan trọng, bất khả xâm phạm.

Hơn nữa, nhiều văn kiện pháp lý quan trọng của Liên Hợp quốc và của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước về quyền trẻ em năm 1989… đều có quy định về quyền được bảo vệ bí mật cá nhân.

Qua nghiên cứu pháp luật quốc tế và pháp luật của các nước trên thế giới, ngày 25/4 tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Hạnh cho biết: Đến nay có nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia ban hành đạo luật liên quan đến quyền bảo vệ thông tin cá nhân.

Bà Hạnh còn phân tích, với việc Luật Tiếp cận thông tin vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua thì để đảm bảo triển khai thực thi một cách hiệu quả Luật này, cần phải xây dựng dự luật về bảo vệ thông tin cá nhân khi một trong những lý do của việc hạn chế tiếp cận thông tin là nhằm bảo vệ thông tin cá nhân.

Chia sẻ kinh nghiệm của Pháp, bà Sophie Vuilliet Tavernier (Vụ trưởng, Tham Chính viện Pháp) nhấn mạnh, ngay từ năm 1978, Pháp đã ban hành Luật Bảo vệ thông tin cá nhân và đến nay có rất nhiều quy định liên quan ở các luật chuyên ngành khác. Luật của Pháp được xây dựng trên 4 nội dung là công nhận quyền tự do cá nhân của tất cả mọi người, quy định về xử lý thông tin cá nhân, chế tài xử lý vi phạm (hành chính, hình sự) và trách nhiệm của các cơ quan. Tuy nhiên, theo bà Sophie, không phải thông tin cá nhân nào cũng được giữ bí mật mà đều có những ngoại lệ trong các trường hợp nhất định.

Đọc thêm