Sẽ mở rộng đối tượng miễn thi hành án

(PLO) - Thi hành án dân sự (THADS) hiện hành đang bộc lộ nhiều bất cập, gây lãng phí ngân sách, công sức của Chấp hành viên, còn người phải thi hành án thì luôn mang trong mình món nợ không thể trả với Nhà nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mở rộng đến người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định  125/CP ngày 14/10/2013 sửa đổi Nghị định 158/CP hướng dẫn thi hành Luật THADS thì điều kiện xét miễn, giảm đối với người phải thi hành án phải “đã thi hành được ít nhất 1/50 khoản phải thi hành...” là bắt buộc. Do đó, nếu như người phải thi hành án chưa thi hành được ít nhất bằng 1/50 khoản phải thi hành thì chưa đủ điều kiện xét miễn, giảm thi hành án. 
Chính vì thế, đối với các trường hợp mà người phải thi hành các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước trên 5 triệu đồng không thực hiện được việc xét miễn, giảm thi hành án vì người phải thi hành án quá nghèo, không thể thi hành được 1/50 khoản phải thi hành hoặc trường hợp không xác định được địa chỉ và tài sản của người phải thi hành án thì không thể miễn, giảm được. Đây là một trong những bất cập lớn của Luật THADS hiện hành. 
Trình Dự luật ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chính phủ thừa nhận: “Quy định này còn chưa sát với thực tiễn, nhất là đối với số án tồn trước 1/7/2009, trong đó có những việc mà các cơ quan THADS đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để tổ chức thi hành trong nhiều năm nhưng không có kết quả dẫn đến tốn kém công sức, kinh phí từ ngân sách nhà nước và những khoản thu đối với người đã bị kết án về hành vi phạm tội trước đây, nhưng nay hành vi phạm tội này đã được miễn chấp hành hình phạt theo Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về việc thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự”.
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đề nghị bổ sung thêm các trường hợp được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Theo đó, người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án; không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình họ; các trường hợp bị thiên tai, lũ lụt mà người phải thi hành án không còn tài sản; không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống hoặc tài sản của người phải thi hành án.
Đồng thời, Dự thảo Luật bỏ điều kiện phải thi hành được một phần nghĩa vụ thi hành thì mới được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án và nâng mức miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
Bảo đảm sự thống nhất của chính sách, pháp luật
Quá trình lấy ý kiến vào Dự thảo Luật THADS sửa đổi, nhiều ý kiến đồng thuận nếu bỏ quy định thi hành một phần thì không những giúp người dân trút đi gánh nặng bị “nợ” Nhà nước (vì muốn thi hành cũng không thể khi mà họ không có tài sản để thi hành, khoản nợ này đã lưu cữu nhiều năm), còn Nhà nước cũng tiết kiệm được chi phí từ ngân sách, thời gian, công sức của cơ quan THADS.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tán thành với chủ trương cần hoàn thiện cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước để góp phần giảm lượng án tồn đọng. 
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng,  phạm vi đối tượng như quy định của Dự thảo Luật là quá rộng, chưa bảo đảm có sự phân hóa giữa các đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo, bị thiên tai, hỏa hoạn với các đối tượng khác, kể cả đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội tham nhũng và tội trốn thuế, các tội có tính chất vụ lợi... 
Do đó, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc để thu hẹp phạm vi đối tượng. Ủy ban cũng đề nghị cân nhắc việc bỏ điều kiện phải thi hành được một phần nghĩa vụ thi hành án thì mới được xét miễn, giảm nhằm bảo đảm sự thống nhất của chính sách pháp luật về thi hành án nói chung.

Đọc thêm