Siết quyết định hành chính, nên “liệu cơm gắp mắm”?

(PLO) - Ngày 10/4, Ban soạn thảo Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính đã có phiên họp lần thứ ba để cho ý kiến đối với Dự thảo Luật và các tài liệu kèm theo. Trưởng Ban soạn thảo – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đưa ra nhiều chỉ đạo đối với những nội dung mà Tổ biên tập cần xin ý kiến.
Siết quyết định hành chính, nên “liệu cơm gắp mắm”?
Chỉ quy định nguyên tắc về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính
Tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa báo cáo: Theo dự kiến, Luật Ban hành quyết định hành chính (QĐHC) không nhất thiết phải điều chỉnh vấn đề cưỡng chế thi hành QĐHC. 
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, khảo sát, trao đổi tại các hội thảo, tọa đàm và nhiều cuộc họp thì các ý kiến đều nhất trí cho rằng vấn đề cưỡng chế thi hành QĐHC là một vướng mắc lớn, một khoảng trống pháp luật chưa được điều chỉnh bởi một luật cụ thể, do đó có thể quy định tại Luật này hoặc thậm chí có thể quy định thành một luật riêng về cưỡng chế thi hành QĐHC. 
Các ý kiến cũng cho rằng, việc Luật này điều chỉnh vấn đế cưỡng chế thi hành QĐHC (không chỉ là vấn đề ban hành quyết định cưỡng chế) là phù hợp trong điều kiện pháp luật còn trống, còn khuyết như hiện nay.
Vì vậy, Dự thảo Luật hiện quy định các nội dung liên quan đến cưỡng chế thi hành QĐHC gồm điều kiện cưỡng chế; thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế; trình tự, thủ tục ban hành quyết định cưỡng chế; nội dung, hình thức, thể thức trình bày quyết định cưỡng chế; xử lý quyết định cưỡng chế. 
“Về vấn đề này, cũng có loại ý kiến cho rằng nên đưa các quy định cưỡng chế thi hành QĐHC vào chương về trình tự, thủ tục ban hành QĐHC để tách việc ban hành QĐHC với việc thi hành QĐHC vì Luật này có tên gọi là Luật Ban hành QĐHC mà bản chất của quyết định cưỡng chế cũng là một loại QĐHC” – bà Thoa cho biết thêm.
Tuy nhiên, nếu quy định ở Luật Ban hành QĐHC thì chỉ nên quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về cưỡng chế. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm đồng tình với quan điểm này và đề xuất Dự án Luật vẫn cần có quy định về cưỡng chế thi hành, “miễn đừng đặt quá nặng vấn đề” bởi thực tế quản lý cho thấy đã là QĐHC phải được thi hành, quy định chi tiết việc cưỡng chế sẽ là thừa.
Nhiều băn khoăn với phạm vi điều chỉnh
Vấn đề thu hút sự quan tâm hơn cả của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập là sẽ điều chỉnh những loại QĐHC nào. Theo bà Thoa, hiện có tới 3 loại ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật. 
Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất cho rằng Luật áp dụng đối với các QĐHC cá biệt nhưng không áp dụng đối với các QĐHC nội bộ của cơ quan nhà nước, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, QĐHC phát sinh trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tố tụng, QĐHC thuộc phạm vi bí mật nhà nước. 
Loại ý kiến thứ hai cơ bản giống loại ý kiến thứ nhất, khác ở chỗ là mở rộng Luật áp dụng đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 
Loại ý kiến thứ ba đề nghị Luật điều chỉnh tất cả các QĐHC cá biệt, không loại trừ loại quyết định nào.
Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Ngô Mạnh Hùng lại đưa ra cách phân loại không giống bất kỳ ý kiến nào nêu trên. Theo ông Hùng, cần phân các QĐHC thành hai nhóm, gồm nhóm các QĐHC có thể bị khiếu nại, khởi kiện và nhóm các QĐHC không cho khiếu nại, khởi kiện. 
Trong đó, nhóm các QĐHC có thể bị khiếu nại, khởi kiện được áp dụng bởi pháp luật chuyên ngành, không điều chỉnh trong Dự án Luật Ban hành QĐHC, còn nhóm các QĐHC không cho khiếu nại, khởi kiện hiện nay đang rất cần sự kiểm soát và việc có luật điều chỉnh nhóm này sẽ tạo sự minh bạch, công khai trong hoạt động hành chính.
Đến từ Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, ông Tường Duy Kiên kiến nghị, Dự án Luật nên làm nổi bật sẽ điều chỉnh ra sao với việc ban hành những QĐHC bất lợi nhằm hạn chế xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. 
Qua kinh nghiệm tham gia xây dựng một số đạo luật khác, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ đề xuất nên chăng “liệu cơm gắp mắm”, trước mắt chỉ điều chỉnh những QĐHC trong những lĩnh vực gây nhiều bức xúc, điển hình là hành chính kinh tế.
Nhấn mạnh đến những quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 89/NQ-CP về định hướng xây dựng Luật Ban hành QĐHC, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận thấy các ý kiến phần lớn tập trung vào phương án 2 và tán thành việc loại bỏ áp dụng đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính là không cần thiết. 
“Về cơ bản hiện nay có 3 loại văn bản: văn bản quy phạm pháp luật đã có luật riêng, văn bản do Tòa án ban hành theo pháp luật tố tụng và văn bản là quyết định của các cơ quan nhà nước. Như vậy, có thể nói đây là Dự án Luật phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, đòi hỏi phải làm rõ nhiều nội dung theo hướng tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với công dân” – Bộ trưởng kết luận và dẫn chứng: “Chẳng hạn, đối với những quyết định tác động lớn đến cộng đồng như quyết định thay thế cây xanh vừa rồi cần phải ban hành theo một thủ tục đặc biệt”.

Đọc thêm