Sớm ban hành Quy chế cung cấp thông tin để các bộ, ngành, địa phương tham khảo

(PLO) - Chiều 23/2, Thứ trưởng Lê Tiến Châu đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Quy chế cung cấp thông tin cho công dân của Bộ Tư pháp. Đây là một hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) theo Quyết định số 1899/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. 
Thứ trưởng Lê Tiến Châu chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Lê Tiến Châu chủ trì cuộc họp.

Bảo đảm ban hành trước ngày Luật TCTT có hiệu lực thi hành

Luật TCTT giao các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin phải ban hành Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Theo đó, tại điểm h khoản 1 Điều 34 Luật TCTT quy định cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm “ban hành và công bố công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của mình”.

Bộ Tư pháp là một trong những cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của Luật, bởi vậy, thực hiện nhiệm vụ Luật giao, việc xây dựng và ban hành Quy chế cung cấp thông tin cho công dân của Bộ là cần thiết. Lãnh đạo Bộ đã giao Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan xây dựng dự thảo Quy chế. Theo Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, việc sớm ban hành Quy chế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương chủ động tham khảo trong quá trình xây dựng Quy chế nội bộ về cung cấp thông tin, bảo đảm các Quy chế được ban hành trước ngày Luật TCTT có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2018) để tổ chức việc cung cấp thông tin được hiệu quả, nền nếp hơn ở mỗi cơ quan nhà nước.

Dự thảo Quy chế dự kiến tập trung vào các nội dung chính như xác định đầu mối cung cấp thông tin; việc chuyển giao thông tin của đơn vị tạo ra cho đơn vị đầu mối cung cấp; việc phân loại thông tin được cung cấp và không được cung cấp; cập nhật thông tin được công khai, thông tin được cung cấp theo yêu cầu... Để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật TCTT, đồng thời có sự phân biệt với Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Quy chế này là quy định về việc công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm cung cấp thông tin của Bộ Tư pháp theo quy định của Luật TCTT. Dự thảo Quy chế cũng chỉ điều chỉnh thông tin do Bộ Tư pháp, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tạo ra, còn thông tin do đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp được cung cấp theo quy định pháp luật có liên quan trong từng lĩnh vực mà không điều chỉnh tại Quy chế này.

Hạn chế phát sinh văn bản, giấy tờ, thủ tục hành chính

Góp ý cho dự thảo Quy chế, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lê Thu Anh đề nghị Lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin cho Cục Công nghệ thông tin thì phù hợp hơn giao cho Văn phòng Bộ. Ngoài ra, các đơn vị cần tự cập nhật vào cơ sở dữ liệu này, không phải chuyển qua Văn phòng Bộ. Còn như dự thảo Quy chế sẽ phát sinh thêm văn bản, giấy tờ, thủ tục hành chính và cả nhiệm vụ cho Văn phòng bởi với các Cục, Thanh tra Bộ, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thì Văn phòng Bộ không nắm giữ tất cả các thông tin của các đơn vị này tạo ra. Về phía Văn phòng Bộ, sẽ là đầu mối tiếp nhận, trả phiếu yêu cầu cung cấp thông tin của công dân, kể cả trường hợp từ chối cung cấp; là đầu mối, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu. Riêng về thông tin cung cấp theo yêu cầu, bà Thu Anh chỉ ra điểm vướng mắc ở chỗ không xác định được thông tin nào sẽ được cung cấp theo yêu cầu.

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Văn Đạt quan niệm, cung cấp thông tin cho công dân vẫn là việc làm lâu nay nhưng nay đổi mới triển khai theo Luật TCTT, chứ thực tế còn thực hiện cung cấp theo nhiều quy định pháp luật khác như Luật Phòng, chống tham nhũng chẳng hạn. Vấn đề đơn vị đầu mối cung cấp thông tin theo mô hình tập trung hay phân tán, ông Đạt cho rằng cần phân biệt 2 loại, theo đó với các đơn vị có tài khoản, con dấu riêng nên có hẳn cơ chế ủy quyền và với các đơn vị tham mưu thực hiện qua Văn phòng Bộ. Đối với Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS), cấp Chi cục cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin thì Tổng cục THADS nên có Quy chế riêng.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành của Quy chế này, Thứ trưởng Lê Tiến Châu đồng tình cho rằng các bộ, ngành đang “nhìn” vào Quy chế của Bộ Tư pháp nên cần sớm ban hành. Với mục đích quy định cách thức tổ chức để thực hiện hiệu quả Luật TCTT, Thứ trưởng Châu đề nghị Quy chế càng chi tiết, cụ thể càng dễ thực hiện. Theo đó, Thứ trưởng mong muốn, trong Quy chế đưa ra sơ đồ về quy trình cung cấp thông tin cũng như xác định rõ thông tin cần cung cấp (bao gồm thông tin công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu, thông tin bắt đầu từ thời điểm Luật TCTT có hiệu lực). Thứ trưởng lưu ý Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ trì, phối hợp các đơn vị rà soát số lượng thông tin cung cấp theo yêu cầu, quy định trọng dự thảo Quy chế việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trách nhiệm của các đơn vị từ tạo ra đến cung cấp thông tin. 

Liên quan đến đơn vị đầu mối phân tán hay tập trung, Thứ trưởng nhất trí quan niệm đơn vị nào tạo ra thông tin thì có trách nhiệm đưa lên cơ sở dữ liệu, Văn phòng Bộ chỉ là đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin và giao Cục Công nghệ thông tin thiết kế phần mềm cơ sở dữ liệu này. Đối với Hệ thống THADS, Thứ trưởng nhận thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, trong khi nhu cầu của người dân lại nhiều nên nếu giao ngay sẽ khiến hiệu quả cung cấp thông tin không cao. Từ đó, Thứ trưởng cho rằng trước mắt việc cung cấp thông tin do Tổng cục tạo ra sẽ theo Quy chế này; còn địa phương, Tổng cục ban hành Quy chế mẫu hướng dẫn việc cung cấp thông tin đến cấp Cục. 

Đọc thêm