Sớm xây dựng phần mềm công chứng thống nhất trong cả nước

(PLO) - Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017, một trong những nội dung được đại biểu các điểm cầu đã tập trung trao đổi, thảo luận liên quan đến tình hình, kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng. Theo đó, bên cạnh những thành tích đạt được thì địa phương vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ để thực thi những đổi mới của Luật ngày càng hiệu quả hơn.
Sớm xây dựng phần mềm công chứng thống nhất trong cả nước

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, sau gần 2 năm triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, các quy định của Luật đã cơ bản đi vào thực tiễn, phù hợp với định hướng phát triển nghề công chứng ở nước ta trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, ổn định của hoạt động công chứng. Ngay sau khi Luật được thông qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật, tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật tại hai khu vực phía bắc và phía nam để phổ biến, quán triệt các quy định của Luật và kế hoạch triển khai Luật đến các địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan. 

Bộ Tư pháp cũng thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các địa phương có vướng mắc trong quá trình xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật thực hiện các quy định mới của Luật; quan tâm xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, chỉ đạo các địa phương thành lập các Hội công chứng viên, tổ chức kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng… Về phía các địa phương, Kế hoạch triển khai Luật đã được tất cả các địa phương ban hành cơ bản đúng thời hạn.

Với sự quan tâm và triển khai tích cực của Bộ Tư pháp và các địa phương, tính đến hết tháng 11/2016, việc triển khai thực hiện Luật Công chứng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật… Ngoài ra, đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; thành lập thêm 22 Hội công chứng viên, nâng tổng số Hội công chứng viên hiện nay lên con số 35; 58 tỉnh, thành phố ban hành mức trần thù lao công chứng, 29 tỉnh, thành phố đã ban hành Tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập văn phòng công chứng (VPCC); 08 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ các VPCC do một công chứng viên (CCV) thành lập sang VPCC theo loại hình công ty hợp danh, đã có 03 Phòng công chứng (PCC) được chuyển đổi thành VPCC... 

Vấn đề vướng mắc của không ít địa phương chính là việc chuyển đổi các VPCC do một CCV thành lập sang VPCC theo loại hình công ty hợp danh. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh Lê Viết Hồng đề nghị xem xét điều chỉnh lộ trình chuyển đổi bởi Hà Tĩnh và nhiều địa phương khác đang trong tình trạng thiếu CCV đủ tiêu chuẩn để có thể tham gia vào việc thành lập VPCC theo mô hình công ty hợp danh. Ông Hồng cũng phản ánh, quy định cho phép một số đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng đã ảnh hưởng phần nào đến chất lượng công tác này. Ngoài ra, đội ngũ CCV của tỉnh còn ít, cơ sở vật chất lạc hậu, trình độ quản trị yếu kém, thiếu chế độ, chính sách để thu hút người hành nghề công chứng ở những địa bàn khó khăn... 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thì kiến nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo xây dựng phần mềm công chứng thống nhất trong cả nước. Bởi hiện nay, mặc dù đã 15 tỉnh, thành phố đã có cơ sở dữ liệu công chứng và và 20 tỉnh khác đang xây dựng cơ sở dữ liệu này nhưng đều do địa phương tự chủ động triển khai nên gặp rất nhiều lúng túng.

Đọc thêm